Hằng ngày ĐTTA phải trông giữ hơn 20 con bò giữa rừng sâu. Ảnh: Tấn Lộc (Pháp luật TP.HCM) |
Sáng 10-6, vượt hàng chục cây số đường rừng đèo, dốc, chúng tôi vào khu rừng sâu Lỗ Dàng thuộc xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Nằm heo hút trên triền một thung lũng, giữa những cánh rừng già là một căn chòi tạm bợ chưa tới 4 m2, xung quanh hiu quạnh, không một bóng người.
Trên chiếc giường gỗ xập xệ trong căn chòi, một bé gái gầy nhom, xanh xao thân mình ướt đẫm mồ hôi, miệng khô quắt vì đói, khát đang bị “nhốt” trong chiếc mùng và những lớp chăn màn có dây buộc chặt để khỏi rơi xuống lớp đá dưới nền.
Sống đơn độc giữa rừng sâu
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được cô gái bởi theo người dân địa phương, lâu nay cứ thấy người lạ là cô gái lại chạy trốn vào rừng.
Vừa lùa đàn bò hơn 20 con trở về căn chòi, thấy chúng tôi, cô gái tỏ ra sợ sệt, không dám lại gần, không muốn nói chuyện. Hình như lâu lắm rồi cô gái không tiếp xúc với người lạ.
Gặng mãi cô gái mới cho biết tên là ĐTTA nhưng không nhớ mình bao nhiêu tuổi (sau này chúng tôi mới biết A. năm nay 25 tuổi); còn cháu bé chính là con của cô. Mới nhìn không ai nhận ra đó là một cô gái tuổi đôi mươi bởi thân hình tiều tụy, da đen nhẻm, mái tóc rối bời trông như “người rừng”.
Ngồi ôm con, cố quay giấu mặt, qua những câu trả lời rời rạc, TA kể: Từ nhỏ TA đã phải đi chăn bò, làm rẫy nên chưa bao giờ đến trường.
Năm 17 tuổi, người cha đưa TA từ nhà lên núi Lỗ Dàng để chăn bò, làm rẫy cùng ông. Dù từ rừng về nhà chỉ vài chục cây số nhưng chưa bao giờ người cha cho TA về nhà.
Năm TA 18 tuổi, có một người đàn ông độc thân lớn tuổi làm rẫy gần đó muốn lấy em làm vợ nhưng bị người cha ngăn cấm. Cũng trong năm đó, một đêm nọ, người cha mò vào căn chòi cưỡng hiếp TA. Từ đó ông thường xuyên làm chuyện bất luân này với đứa con của mình.
“Mỗi khi thấy có người lạ, bất kể đàn ông hay đàn bà lại gần em là ổng đánh em. Ổng nói sẽ giết chết em nếu nói ra cho ai biết” - TA kể trong tiếng nấc. Cách đây gần hai năm, TA có thai rồi sinh ra bé gái trên. Chính cha mẹ của TA đỡ đẻ cho cô ngay giữa rừng sâu.
Suốt gần tám năm nay, cứ mỗi tháng một lần, cha mẹ TA mang lên vài ký gạo cùng thức ăn duy nhất là muối hột và nước mắm. Nhiều ngày hết gạo, TA phải ăn trái cây lây lất cho đỡ đói.
Công việc hằng ngày của TA là chăn giữ hơn 20 con bò của gia đình. Buổi sáng, TA dùng mùng màn quấn chặt đứa con để trên giường rồi lùa bò lên núi, đến chiều tối mới trở về.
“Gần đây, ổng cứ bảo để đứa bé chết đi. Mỗi lần lên núi, ổng lại đánh, hăm dọa giết em. Em sợ lắm nhưng không biết làm sao” - TA nói với khuôn mặt sợ hãi.
Chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc
Khi chúng tôi hỏi “Sao lâu nay em không tố cáo với công an?”, TA trả lời: "Em sợ lắm và cũng không biết đường đi”. Sau lời động viên khuyên nhủ của chúng tôi, TA quyết tâm bế con đi cùng chúng tôi đến Công an huyện Đồng Xuân tố giác sự việc và xin giúp đỡ giải thoát cho mình.
Trên đường rời rừng, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã trực tiếp điện thoại cho ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo Công an huyện Đồng Xuân, Hội LHPN tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên để thông báo sự việc và đề nghị có biện pháp giúp đỡ TA.
Đây là lần đầu tiên ra khỏi rừng sau tám năm nên TA tỏ ra ngơ ngác, sợ hãi. Dù nhà (ở thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân) chỉ cách trụ sở Công an huyện Đồng Xuân 4-5 cây số nhưng cô không nhớ đường về nhà.
Khi cán bộ công an lấy lời khai, TA khẳng định chính cha cô, ông ĐNH (sinh năm 1950), đã nhiều lần cưỡng hiếp cô từ năm 18 tuổi đến khi sinh cháu bé trên.
Ngay chiều cùng ngày, UBND huyện Đồng Xuân đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các ngành chức năng để giải quyết sự việc trên.
Thượng tá Lê Văn Định, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân, cho biết trước mắt huyện đã đưa mẹ con TA đi khám sức khỏe, đồng thời bố trí cho hai mẹ con ở trong một phòng khách của công an huyện để đảm bảo an toàn.
UBND huyện đã phân công Hội LHPN, Phòng LĐ-TB&XH huyện hằng ngày chăm sóc, đảm bảo ăn uống, sinh hoạt cho hai mẹ con cô gái này.
Hai chị của cô gái "người rừng" cũng bị cha bạo hành?
Nhiều người dân địa phương cho biết lâu nay họ thường xuyên nghe thấy ông H. đánh đập vợ con.
Ông Nguyễn Văn Nguy, có nhà liền kề nhà ông H., kể: Người con gái đầu của ông H. là ĐTNA vốn ngoan hiền, học giỏi nhưng đến năm lớp 9 thì bị bệnh tâm thần do bị cha thường xuyên đánh đập, mấy năm nay cả làng không ai nhìn thấy cô gái này nữa. Còn một người chị khác của TA khi biết sự việc đã hoảng sợ vào TP.HCM sinh sống nhiều năm nay, không trở về nhà.
Theo lời TA, toàn bộ sự việc trên mẹ của cô đều biết nhưng không dám nói gì cả vì sợ chồng đánh. Nhiều người dân địa phương cũng nhiều lần chứng kiến ông H. đánh vợ dã man trước mặt nhiều người.
Trong khi đó, theo ông Phạm Trung Chánh, cách đây gần một năm huyện đã biết việc mẹ con cô gái trên sống giữa rừng sâu và đã yêu cầu các ngành chức năng vận động đưa cháu bé về địa phương sinh sống nhưng gia đình ông H. không chấp nhận.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Đồng Xuân, nói: “Trước đây chúng tôi có đến núi Lỗ Dàng đề nghị gia đình đưa đứa trẻ về nhà chăm sóc và hướng dẫn họ làm thủ tục để đứa trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng ông H. hằm hè ngăn cản. Chúng tôi đã đề nghị chính quyền xã giải quyết nhưng không có kết quả”.
Ông Phạm Trung Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân: "Trước mắt, chúng tôi xác định hai mẹ con ĐTTA như một hộ đặc biệt khó khăn để trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ tiền xây nhà để có nơi ở, đồng thời tạo điều kiện về việc làm lâu dài". Thượng tá Lê Văn Định, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân: Chiều 10-6, Công an huyện Đồng Xuân đã triệu tập hai vợ chồng ông H. để tiến hành điều tra sự việc. “Bước đầu, hai vợ chồng này phủ nhận việc đã đối xử bạo lực với em TA; ông H. cũng phủ nhận đã cưỡng hiếp con mình. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiến hành ngay việc xét nghiệm ADN giữa ông H. và cháu bé, đây là vấn đề căn cơ của vụ việc. Nếu đúng như tố cáo, ông H. đã phạm hai tội rất nghiêm trọng là hiếp dâm và loạn luân". |
Theo Tấn Lộc
Pháp luật TP.HCM