Cô nữ sinh giết người và chuyện tình sau song sắt

Cô nữ sinh giết người và chuyện tình sau song sắt
Biết tin con mình yêu nữ phạm nhân mang án giết người khi mới 15 tuổi nhưng bố mẹ người yêu cô vẫn quyết định vào trại giam để "hỏi vợ" cho con trai khi con dâu tương lai vẫn đang thụ án.

Cô nữ sinh giết người và chuyện tình sau song sắt

Cô nữ sinh giết người và chuyện tình sau song sắt ảnh 1 

Phan Lê Thương có lẽ là nữ tù nhân đặc biệt và hạnh phúc nhất trong những ngày còn thụ án tại trại giam Thanh Phong (Thanh Hoá). 15 tuổi, cô nữ sinh trường huyện chỉ vì tức giận câu nói mỉa mai của cụ bà hàng xóm, đã dùng kéo đâm chết người đúng vào ngày Lễ Tình nhân (14/2).

Gần 10 năm sống trong trại, ngày về, em mang theo niềm hạnh phúc vô bờ bến, ấy là lời cầu hôn nhận được của chàng trai bán hàng phục vụ trong căng tin, và đó cũng chính là đoạn kết ngọt ngào nhất cho mối tình được dệt nên trong đất trại.

Phan Lê Thương, sinh năm 1990 ở xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy (Thái Bình), 22 tuổi đời, nhưng trông Thương già dặn và từng trải, kết quả của những năm tháng dài dằng dặc sau song sắt, trả giá cho hành vi giết người nông nổi.

Thương bảo, nếu ngày đó không tự mình hủy hoại tương lai, có thể bây giờ em đã hoàn thiện được giấc mơ giảng đường. Nhưng không thể thay đổi được số phận, và quá khứ đã trôi vào quên lãng khi vết thương lòng đã thôi buốt nhói.

Giờ đây, em biết đứng dậy sau vấp ngã, và hạnh phúc hơn là đã có một bờ vai vững chãi để dựa vào trên những chặng đường tương lai phía trước. Đó cũng chính là động lực để em đủ tự tin cho quyết định đi học trở lại vào năm tới, bắt đầu hành trình xây đắp tương lai.

Giết người trong ngày lễ tình nhân

Phan Lê Thương sinh ra trong một gia đình nông dân chất phác ở xã Thụy Quỳnh. Sau Thương còn có một em trai, bố mẹ làm nông nhưng cuộc sống không đến nỗi khó khăn. Mọi cái xoay quanh cuộc đời và gia đình bé nhỏ ấy cứ thế diễn ra bình lặng, cho đến khi em trở thành nữ sinh trung học thì cũng là lúc bi kịch cuộc đời ập đến.

Mãi tận bây giờ, gần 10 năm trôi qua nhưng Thương vẫn không thể tin được tại sao ngày đó mình lại làm thế với lão bà hàng xóm đã 72 tuổi. Ân hận hơn khi đó lại là một người mà ngày thường vẫn rất tốt với bản thân và gia đình em, chỉ vì chấp nhặt câu nói trong lúc nóng giận, em đã tước đi mạng sống của người bà vô tội, hủy hoại luôn tương lai đang vô cùng xán lạn đời mình.

Lê Thương nhớ lại, chuyện xảy ra vào đúng ngày lễ tình nhân của năm 2005. Ngày đó, em 15 tuổi, đang là nữ sinh lớp 10 trường huyện. Mọi cái diễn ra như thể đó là sự sắp đặt sẵn của số phận.

Trước một ngày, Thương cùng mấy đứa bạn trong lớp rủ nhau đi mua hoa về bán để kiếm tiền bỏ quỹ. Cả nhóm trai có, gái có sau khi mua được rất nhiều hoa hồng đã chọn nhà của Thương để cắt tỉa, phân chia thành từng bó trước khi mang đi bán.

Vì hôm ấy đang là buổi trưa, nhóm bạn của Thương lại nói cười ầm ĩ vang cả xóm làng nên đánh động đến giấc trưa của mọi người nhưng vốn tính vô tư, cả nhóm nam nữ sinh này chẳng ai để ý đến sự vô duyên.

Cho đến lúc bà Phạm Thị P., là người hàng xóm với gia đình em, đã 72 tuổi không chịu được sự ầm ĩ thái quá nên chạy sang cau có và buông lời xúc phạm đến nhóm bạn của Thương khiến cho nhóm bạn hết sức xấu hổ, tẽn tò bỏ ra về hết.

Bị người hàng xóm làm cho mất thể diện trước bạn bè, Thương bực mình và bỗng dưng thấy ghét người bà mà bấy lâu nay mình vẫn yêu quý. Nhưng lúc đó em đã kiềm chế được cơn giận, cùng nhóm bạn mang hoa đi bán trước cổng trường.

Trưa ngày 14/2 năm đó, khi vừa ăn cơm xong, Phan Lê Thương vơ vội cái kéo thủ công, định bụng sẽ đạp xe lên chỗ bán hoa trông hàng giúp cho đứa bạn về nhà ăn cơm. Nhưng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà lúc qua ngõ hàng xóm, Thương lại có ý định vào để giải thích cho bà P. hiểu về việc làm của em và nhóm bạn, chứ hoàn toàn không vô bổ như bà này nghĩ.

Thế nhưng, vừa thấy Thương tay lăm lăm chiếc kéo đi vào, bà P. đã chạy ra, chưa kịp giải thích câu nào, em đã bị đuổi cổ. Phút bốc đồng của tuổi mới lớn lấn át mọi lý trí, em cãi nhau với bà hàng xóm rồi lao vào đánh nhau.

Trong lúc giằng co, chiếc kéo trong tay đã vô tình trở thành hung khí đâm thẳng vào cổ bà lão. Chỉ đến khi nhìn thấy bà P. mắt trợn ngược, miệng mấp máy không thành tiếng trong khi máu chảy lênh láng thì em mới giật mình bừng tỉnh, buông tay và lùi dần ra cổng rồi quay đầu mải miết chạy trong vô định.

Trốn trong góc nhà, Thương ù tai khi nghe hàng xóm xôn xao chuyện em giết người. Chiều hôm ấy, em đã bị bắt. Đó là lần đầu tiên em biết đến có một ngày lễ tình nhân trên đời, và cũng đau đớn thay là ngày em phải bập tay vào chiếc còng số 8 oan nghiệt.

Hạnh phúc ngọt ngào sau song sắt

Phan Lê Thương sau đó đã bị kết án 10 năm tù giam vì đã gây ra cái chết cho bà hàng xóm. Những ngày đầu ở trại giam Thanh Phong, em tuyệt vọng đến cùng cực và hơn một lần tìm đến cái chết nhưng may mắn được cán bộ quản giáo khuyên can, động viên nên đã dần lấy lại được niềm tin vào cuộc sống.

Chính Thương cũng không ngờ, ở chốn lao tù này, em lại được sống một cuộc sống với đầy đủ tình yêu thương, và hơn cả điều kỳ diệu là em đã tìm được một nửa trong chuỗi ngày dài trả án. Đó là hạnh phúc lớn nhất mà em đón nhận được kể từ sau khi tự mình đánh mất tương lai của chính mình phía trước.

Người con trai mang đến cho Phan Lê Thương một cuộc sống tươi mới, hạnh phúc bất ngờ đó là một người bán hàng trong căng tin. Anh hơn Thương 5 tuổi, là con trai duy nhất của một gia đình tương đối có vai vế ở thị xã.

Những ngày đầu mới nhập trại, chính anh là người đã thường xuyên động viên, an ủi mỗi khi Thương buồn. Lúc ấy, em chẳng quan tâm, có chăng chỉ là sự xã giao, bởi cú sốc cuộc đời vẫn đang là vết hằn quá lớn.

Nhưng dần dà, Thương bắt đầu chú ý và cảm nhận được sự chân tình trong mỗi hành động và cả ánh mắt ấm áp, trìu mến mà anh dành cho mình. Trái tim nhỏ bé của cô bé chưa một lần yêu đã bắt đầu biết rung rinh loạn nhịp.

Sau này, khi đã trở nên thân thiết, Thương đã có lần chia sẻ thật tâm tư của mình rằng, em chỉ là một nữ phạm nhận, lại phạm tội giết người, điều em sợ nhất là sự ghét bỏ hay dị nghị từ phía gia đình của người mình sẽ yêu thương. Đó cũng chính là lý do khiến cho Thương đã từ chối yêu khi anh ấy ngỏ lời.

Hiểu được tâm trạng của người con gái cá tính và coi trọng danh dự, anh về thưa chuyện với gia đình. Lẽ tất yếu, biết tin con mình yêu một nữ phạm nhân, bố mẹ anh đã toan không đồng ý, nhưng rồi trước lý lẽ và sự kiên định của con trai, ông bà đã tin vào sự lựa chọn đó nên quyết định vào trại giam để gặp Thương.

Đó có lẽ là cuộc thăm gặp độc nhất vô nhị trong trại giam, mà nói đúng hơn thì đó phải là chuyến đi hỏi vợ cho con trai khi con dâu tương lai đang thụ án. Bố mẹ chồng tương lai của Thương chỉ nói rằng, con trai họ là báu vật của gia đình, cả đời chưa làm điều gì khiến họ mất tin nên lần này, hai ông bà cũng sẽ tin tưởng vào sự lựa chọn này. Chính nhờ cuộc gặp ấy mà Thương đã tự tin để nhận lời yêu, thêm sức mạnh để cải tạo tốt, đếm ngược thời gian chờ ngày trở về.

Những ngày trong trại giam đã có ý nghĩa hơn với Thương kể từ phút giây ấy. Em chăm chỉ cải tạo hơn, không còn buồn mỗi khi đêm xuống. Chính tình yêu được xây đắp trong đất trại đã mang đến cho em kỳ vọng vào tương lai, vào ngày về.

Rồi, ngày đó cũng đến khi trong dịp Quốc khánh 2-9-2011, em đã cùng với 180 phạm nhân khác của trại giam Thanh Phong có tên trong danh sách, được trở về hòa nhập với cộng đồng.

Giây phút cởi bỏ trên mình bộ quần áo kẻ sọc, Thương đã được gia đình anh đón chờ bằng một bó hoa tươi thắm. Mọi sai lầm, khổ đau đắng chát của đời người đã được gác lại sau lưng, và quá khứ buồn ấy cũng được bỏ lại bằng cái ôm thật chặt và cả ánh nhìn trìu mến mà mọi người dành cho em.

Bố mẹ anh dắt em về nhà, coi như con dâu mặc dù chưa cưới hỏi. Nhưng, 7 năm chôn chân trong đất trại, mọi cái với Thương gần như đã trở về con số 0 tròn trĩnh. Em không muốn bị mang tiếng là ăn bám nhà chồng, nên đã nghĩ đến việc phải học về cách sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cả những người xung quanh.

Điều đầu tiên, Thương nghĩ đến là sẽ đi học lại, dù biết rằng sẽ có rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng được sự động viên rất lớn từ người mình yêu thương, em đã có đủ tự tin cho việc dùi mài kinh sử trong thời gian tới.

Phan Lê Thương trải lòng, đến bây giờ thì em đã có thể đủ tự tin để nói rằng, quá khứ buồn em đã để lại phía sau, thời nông nổi cũng đã lùi xa vào dĩ vãng, bây giờ là lúc em đang đặt những viên gạch hồng để xây đắp tương lai.

Tuổi 22 đối với một người con gái, mọi cái vẫn đang ở phía trước và chính anh chứ không ai khác, là người đã cho Thương niềm tin, sức mạnh để vượt qua giông bão đời người. Anh và gia đình tuyệt vời của anh đã đưa Thương từ cánh cổng trại giam về với cuộc đời.

Tết vừa rồi, bố mẹ anh và bố mẹ em cũng đã chính thức gặp nhau để bàn chuyện thông gia, một đám cưới cho đôi trẻ đã được hai bên bàn đến. Mọi cái đến với cuộc đời của Phan Lê Thương cứ như một giấc mơ, và em đón nhận những điều ấy như món quà mà số phận bù đắp sau tất cả những nông nổi của lứa tuổi 15 trong đời người.

Theo Đang yêu

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG