> Thanh tra vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng
Hành vi hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn, đẩy vợ con ông vào thảm cảnh không nhà không cửa, đã và đang gây bất bình cho đông đảo người dân Hải Phòng và nhiều địa phương khác. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Văn Phất.
luật sư Phạm Văn Phất. |
Theo luật sư, hành vi phá hủy ngôi nhà của gia đình ông Vươn có phải là tội phạm không?
Qua thông tin, hình ảnh trên các tờ báo chính thống, cũng như phát biểu của chính các quan chức địa phương, chúng ta cần khẳng định sự việc ngôi nhà của ông Vươn đã bị đập phá tan tành ngay sau khi xảy ra vụ việc ngày 05-01 là có thật.
Hủy hoại tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tùy theo tính chất, mức độ, phải bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Theo Bộ luật Hình sự (BLHS), người nào hủy hoại tài sản có giá trị từ hai triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.
Hiện chưa có kết luận của cơ quan giám định, nên chưa thể đánh giá chính xác giá trị ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Vươn (đã bị hủy hoại hoàn toàn); tuy nhiên, xét về hiệu ứng xã hội, có thể nhận định hành vi này “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; ngoài việc khiến vợ con ông Vươn không còn nơi trú ngụ để đón Tết và tiếp tục cuộc sống bình thường, nó còn gây bức xúc cho đông đảo người dân Hải Phòng và cả nước, làm giảm lòng tin của nhân dân vào cán bộ chính quyền cơ sở.
Theo khoản 4 Điều 143 BLHS, người nào hủy hoại tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Như vậy, việc ngôi nhà của gia đình ông Vươn bị phá hủy có dấu hiệu tội phạm thuộc nhóm đặc biệt nghiêm trọng, theo quy định tại Điều 8 BLHS.
Pháp luật quy định trình tự, thủ tục xử lý loại tội phạm này như thế nào, thưa luật sư?
Pháp luật không có quy định riêng xử lý tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, mà quy định chung để xử lý tất cả các tội phạm, đó chính là Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS). Vụ đập phá nhà ông Vươn, việc đầu tiên cần làm một cách không chậm trễ là khởi tố vụ án để tiến hành điều tra, theo Điều 104 Bộ luật TTHS.
Vì sao luật sư nhấn mạnh phải khởi tố vụ án “một cách không chậm trễ”?
Đây là trường hợp dấu hiệu tội phạm đã rõ, chậm trễ khởi tố vụ án sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, chẳng hạn công cụ phương tiện dùng để phá nhà có thể bị tẩu tán…
Tôi muốn nói thêm, vụ việc đang gây bức xúc dư luận, chậm trễ khởi tố vụ án sẽ dễ bị hiểu lầm là các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương bao che hoặc chí ít cũng không quyết liệt đấu tranh với những đối tượng đã hủy hoại ngôi nhà của gia đình ông Vươn.
Ai có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án trong trường hợp này? Việc chậm trễ ra quyết định khởi tố sẽ bị xử lý thế nào?
Như đã phân tích, do bước đầu có thể đánh giá tội phạm thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, nên người ra quyết định khởi tố vụ án là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng.
Theo Điều 109 Bộ luật TTHS, kiểm sát tuân thủ pháp luật trong việc khởi tố vụ án hình sự, “đảm bảo mọi tội phạm được phát hiện đều phải được khởi tố”, thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát cùng cấp, trường hợp này là Viện KSND TP Hải Phòng.
Nếu kết quả điều tra cho thấy đối tượng đã ra lệnh đập phá ngôi nhà của gia đình ông Vươn là người giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền địa phương, với lý do ngôi nhà này “là nơi trú ẩn của những kẻ chống người thi hành công vụ”, thì đối tượng ra lệnh như vậy có bị xử lý hình sự không?
Nếu kết quả điều tra cho phép kết luận như vậy, thì đối tượng đã ra lệnh đập phá ngôi nhà phải bị khởi tố bị can và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố ra trước tòa án để xét xử.
Việc đối tượng giữ chức vụ trong bộ máy chính quyền, hoặc ngộ nhận rằng mình được quyền “hủy hoại tài sản” của những nghi phạm trong vụ án “chống người thi hành công vụ” không phải là điều kiện để được miễn truy cứu, trái lại, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội còn bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Lê Anh thực hiện