Giữa tháng 9-1999, Công an huyện Bình Long (nay là thị xã Bình Long, Bình Phước) đến nhà bắt giữ anh Nguyễn Đình Long theo lệnh truy nã, sau đó biết bắt giữ là nhầm nên trả tự do cho anh. Công an lý giải việc bắt nhầm là do tên họ, địa chỉ của anh Long trùng hợp ngẫu nhiên với đối tượng trong lệnh truy nã.
Bị đánh đến sinh bệnh?
Theo trình bày của người nhà, lúc được thả về đầu anh Long bị cạo trọc, bộ dạng sợ hãi. Anh chỉ biết ôm đầu, ôm ngực kêu la rằng ở trong trại vừa bị các phạm nhân khác đánh, vừa bị công an dùng nhục hình tra khảo, ép nhận tội.
Vài ngày sau, anh Long lại có những dấu hiệu bất thường như nói lảm nhảm, đập phá đồ đạc trong nhà, có khi đi lang thang cả ngày ngoài đường. Gia đình đưa anh đến bệnh viện thăm khám và phát hiện có dấu hiệu của bệnh tâm thần.
Thấy tình trạng sức khỏe của anh ngày càng xấu, người vợ dần xa lánh và quyết định bỏ nhà đi nơi khác sinh sống. Còn anh Long, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên gia đình không có tiền để chạy chữa. Mãi đến tháng 5-2001, anh mới được gia đình đưa đến bệnh viện tâm thần ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) chữa trị. Bệnh viện kết luận anh bị tâm thần phân liệt và theo dõi điều trị nhưng đến nay vẫn không khỏi.
Không được bồi thường
Còn việc yêu cầu bồi thường oan, mãi hơn tám năm sau khi anh Long bị bắt, tháng 10-2007, gia đình anh mới đến Công an Bình Long đặt vấn đề. Tại thời điểm đó, công an huyện cũng nhìn nhận làm oan anh Long, đồng ý hỗ trợ cho gia đình anh 10 triệu đồng và tác động với chính quyền địa phương để anh được hưởng trợ cấp hằng tháng. Gia đình anh Long nhận tiền hỗ trợ nhưng sau đó vẫn liên tục làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan có thẩm quyền đòi công an bồi thường.
Do không được đáp ứng như mong muốn, gia đình anh Long khởi kiện Công an thị xã Bình Long ra tòa yêu cầu bồi thường hơn 1 tỉ đồng gồm các khoản tổn thất về tinh thần, tiền điều trị cho anh Long từ năm 1999 đến nay, tiền cấp dưỡng nuôi con của anh Long hằng tháng...
Tháng 12-2011, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện phía công an thừa nhận bắt tạm giam oan anh Long ba ngày. Sau đó công an đã đến xin lỗi gia đình và hỗ trợ 10 triệu đồng. Điều này thể hiện thiện chí khắc phục việc làm oan, nay không đồng ý bồi thường thêm bất cứ đồng nào nữa.
HĐXX nhận định các chứng cứ thể hiện anh Long bị bệnh tâm thần ngày càng nặng hơn. Tuy nhiên, không thể xác định rõ anh Long bị bệnh vào thời gian nào do mãi đến năm 2001 mới có kết luận chính thức của bệnh viện. Cũng không có chứng cứ nào thể hiện bệnh tâm thần của anh bột phát là do Công an huyện Bình Long đánh đập. Hơn nữa sau sự cố, phía công an đã hỗ trợ 10 triệu đồng và gia đình đã nhận. Việc công an chưa ra quyết định bồi thường theo Nghị quyết 388 cũng không làm thay đổi nội dung biên bản thương lượng giữa hai bên. Ngoài ra, mãi tám năm sau khi xảy ra vụ việc, đến tháng 9-2007, gia đình mới khởi kiện, mặc dù vấn đề thời hiệu không đặt ra nhưng thời gian đó là quá lâu.
Cuối cùng TAND thị xã Bình Long tuyên không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường nêu trên của gia đình anh Long...
Ngay sau phiên tòa, phía gia đình nguyên đơn đã kháng cáo bản án sơ thẩm nêu trên. Sắp tới, TAND tỉnh Bình Phước sẽ xử phúc thẩm, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Bị hủy quyết định vì đình chỉ sai Tháng 7-2009, gia đình anh Long khởi kiện yêu cầu công an thị xã phải bồi thường oan theo Nghị quyết 388 nhưng TAND thị xã Bình Long đã ra quyết định đình chỉ vụ án vì hết thời hiệu khởi kiện. Nguyên đơn kháng cáo quyết định đình chỉ trên. TAND tỉnh Bình Phước chấp nhận kháng cáo tuyên hủy quyết định đình chỉ vụ án, chuyển toàn bộ hồ sơ lại cho TAND thị xã Bình Long tiếp tục thụ lý giải quyết. Theo TAND tỉnh, thời điểm thương lượng về việc bồi thường oan cuối cùng giữa gia đình anh Long và công an thị xã là tháng 10-2010. Sau thời gian bảy ngày theo quy định, cơ quan công an không ra quyết định bồi thường nên không thể căn cứ vào Nghị quyết 388 để tính thời hiệu... |
Theo Thanh Tùng
Pháp luật TP.HCM