Sinh viên tham gia đường dây ma túy qua đường hàng không

Sinh viên tham gia đường dây ma túy qua đường hàng không
Đường dây này do người gốc Phi cầm đầu, với thủ đoạn tinh vi và táo tợn, lôi kéo những cô gái trẻ là sinh viên tham gia…

> Vận chuyển 4 kg ma túy qua đường hàng không

Đường dây này do người gốc Phi cầm đầu, với thủ đoạn tinh vi và táo tợn, lôi kéo những cô gái trẻ là sinh viên tham gia…

Trần Hạ Duy (trái) và Trần Hạ Tiên
Trần Hạ Duy (trái) và Trần Hạ Tiên.

Chị em ruột tham gia đường dây

Hôm qua, đại tá Lê Thanh Liêm, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy - Cơ quan thường trực phía Nam (C47B), Bộ Công an, ký lệnh bắt khẩn cấp Trần Hạ Duy, chị gái Trần Hạ Tiên - nghi phạm bị bắt quả tang khi đang vận chuyển hơn 4 kg ma túy qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Hai chị em Duy, Tiên được xác định tham gia đường dây vận chuyển ma túy lớn do người gốc Phi điều hành, có chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới.

Trần Hạ Duy (SN 1989) là sinh viên trường Đại học Hồng Bàng, TP.HCM. Duy là người trực tiếp quan hệ với các đối tượng gốc Phi ở VN. Vào thời điểm Tiên bị bắt, Duy đang đi giao hàng tại Campuchia. C47B đã động viên gia đình kêu gọi Duy về trình diện cơ quan công an để nhận được sự khoan hồng. Khoảng 19 giờ ngày 20-7, Duy ra đầu thú.

Tại cơ quan điều tra, Duy khai vào năm 2007 quen một người đàn ông gốc Phi tên Francis, khoảng 31 tuổi, và hai bên trao đổi số điện thoại cho nhau. Ban đầu Duy cũng cảnh giác vì qua báo chí được biết một số người gốc Phi vào VN làm ăn phi pháp nên không nghe máy thường xuyên.

Đến tháng 8-2010, Francis bảo có công việc kinh doanh, muốn Duy cùng làm. Công việc rất đơn giản, đó là mang hàng mẫu gồm quần áo, giày dép giao cho đối tác ở nước ngoài. Vì nghĩ đây là cơ hội để được ra nước ngoài học hỏi, trau dồi thêm ngoại ngữ nên Duy nhận lời ngay.

Cho đến thời điểm bị bắt, Duy đi trót lọt 4 chuyến với tiền công 1.000 USD/chuyến. Lần đầu tiên, vào tháng 8-2010, Duy đi Malaysia để mang “hàng mẫu” ở nước này sang Indonesia. Tháng 3 và tháng 5-2011, Duy hai lần bay sang châu Phi để mang “hàng mẫu” về VN, sau đó lại mang giao cho đối tác ở Malaysia.

Chuyến hàng cuối vào đầu tháng 7-2011, Duy tiếp tục qua châu Phi nhận một va-li mang về để qua Campuchia giao hàng.

Tại cơ quan công an, Duy khai trong 3 chuyến trước cô hoàn toàn không biết va-li chứa ma túy, đến chuyến thứ 4 thì biết rõ nhưng bị Francis đe dọa nên phải tiếp tục. Mặt khác, lúc này Duy đã giới thiệu Tiên tham gia đường dây của Francis và Tiên cũng đang ở châu Phi nhận “hàng mẫu” nên Duy phải giao nốt chuyến hàng vì sợ tính mạng của em gái bị đe dọa.

Ngược lại với Duy, Trần Hạ Tiên (cũng là sinh viên trường Đại học Hồng Bàng TP.HCM) khai đã đọc báo và biết rõ một số người gốc Phi qua VN thuê phụ nữ xách ma túy. Ngay lần đầu tiên qua châu Phi nhận hàng, thấy đáy va-li bất thường, Tiên biết phía trong có hàng cấm nhưng vì cần tiền trang trải cho việc ăn học nên đánh liều đi tiếp lần thứ hai. Mỗi lần vận chuyển, Tiên được trả 1.000 USD.

Ma túy dạng đá thu giữ trong va-li của Tiên
Ma túy dạng đá thu giữ trong va-li của Tiên. Ảnh do cơ quan điều tra cung cấp

Tội phạm chuyển hướng vào sinh viên

Đại tá Lê Thanh Liêm cho biết thông qua lời khai của Tiên, C47B đã mời 2 nữ sinh viên khác lên làm việc, một người đang học năm cuối đại học ngân hàng, người còn lại học một trường đại học quốc tế nổi tiếng. Hai người này bị Duy lôi kéo tham gia đường dây vận chuyển, đồng thời còn nhờ rủ thêm bạn bè tham gia… “Nếu không ngăn chặn kịp thời thì đường dây này sẽ phát triển với cấp số nhân”, đại tá Lê Thanh Liêm nói.

Từ thực tiễn nói trên, đại tá Lê Thanh Liêm nhắn nhủ giới sinh viên, nhất là nữ, phải cực kỳ tỉnh táo và cảnh giác, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất cả tương lai. “Trước đây, bọn tội phạm chỉ nhắm vào những phụ nữ trung niên, ít học, bị trục trặc chuyện hôn nhân để lôi kéo, bây giờ chúng chuyển sang sinh viên, trí thức biết nói tiếng Anh.

Với thủ đoạn rất cũ là lên mạng làm quen hoặc tình cờ gặp ngoài đường rồi quan hệ tình cảm, ngỏ ý muốn hợp tác làm ăn. Công việc chúng giao cực kỳ đơn giản là ra nước ngoài xách va-li hàng mẫu quần áo, giày dép nhưng thực chất là đang tiếp tay vào việc vận chuyển ma túy cho chúng. Hình thức hoạt động của bọn này rất tinh vi, chúng có chân rết ở nhiều nước trên thế giới.

Đặc biệt, chúng vô cùng tinh vi, khi hàng về không bao giờ chúng đem về nhà mà nhờ người vận chuyển cất giấu tại nơi ở của họ. Vì thế, khi cơ quan chức năng nếu bất ngờ kiểm tra nơi ở của chúng cũng không thể nào tìm thấy tang vật”, đại tá Liêm phân tích.

Đến nay, trong chuyên án này, cơ quan công an đã bắt 2 nghi phạm, thu giữ 8,2 kg heroin dạng đá.

Theo Bảo Thiên
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG