Xét xử vụ điện kế điện tử giả

Xét xử vụ điện kế điện tử giả
TPO - Sáng nay, 18/5, Tòa án Nhân dân TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án điện kế điện tử giả, xảy ra tại Cty Điện lực TPHCM, với nhóm 17 bị cáo bị truy tố.
Xét xử vụ điện kế điện tử giả ảnh 1

Các bị cáo trong vụ điện kế điện tử giả hầu tòa - Ảnh Hữu Vinh

Trong đó, 12 bị cáo bị truy tố theo khoản 3, điều 165, tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nhóm năm bị cáo bị truy tố theo điểm a, b, c khoản 3, điều 156, tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".

Vụ án được Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ phía nam (thời điểm đó là Cơ quan cảnh sát tội phạm kinh tế - C15)  phát hiện, điều tra năm 2005.

Hồ sơ được chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Cáo trạng được lập, xác định, năm 2003 - 2004, Cty Điện lực TPHCM tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng mua 312.000 điện kế kỹ thuật số một pha (gọi tắt là điện kế điện tử) của Cty Linkton (Singapore), để lắp đặt cho các hộ dân trên địa bàn TPHCM.

Quá trình thực hiện, nhóm bị cáo trên bắt tay nhau làm trái quy định của Nhà nước về đấu thầu, mua sắm vật tư, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế và chính trị.

Số tiền Cty Điện lực TPHCM trả cho 14 hợp đồng mua số điện kế điện tử nói trên là 181 tỷ đồng (làm tròn số).

Vụ án gây bức xúc, bất bình cho người sử dụng điện tại TPHCM. 

Để giảm bớt thiệt hại, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, số điện kế điện tử được phép đưa vào sử dụng, sau khi khắc phục lỗi và hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định hiện hành.

Theo kết luận số 141, ngày 22/7/2008 của Hội đồng giám định (Bộ Công Nghiệp, nay là Bộ Công thương), số tiền để khắc phục, đưa điện kế, điện tử vào sử dụng chỉ còn 8,1 tỷ đồng.

Xét xử vụ điện kế điện tử giả ảnh 2

Bị cáo Lê Minh Hoàng - Ảnh: Hữu Vinh

Tuy nhiên, hai đối tượng trục lợi lớn trong vụ án này là Wong Justin Kaleung và Wongkaho, đã bỏ trốn. Trong đó, Wong Justin Kaleung là người có vai trò chính, trực tiếp cùng Wong Kaho tổ chức sản xuất và bán 312.000 điện kế điện tử giả nguồn gốc xuất xứ.

Cơ quan điều tra có đủ cơ sở xác định Justin và Kaho, với danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Cty Linkton Vina, đã có hành vi trốn thuế nhập khẩu 3,9 tỷ đồng. 

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra thu giữ, kê biên tài sản, vàng, tiền, đất, nhà của một số bị cáo gồm: Hơn 3,3 triệu m2 đất, 12 nhà ở ; một xưởng sản xuất; phong toả tại ngân hàng 815 triệu đồng và hai hồ sơ nhà; tạm giữ hơn 2,2 tỉ đồng, 1.000USD, bốn cổ phiếu trị giá 35 triệu đồng; 220, 89 chỉ vàng và máy móc thiết bị văn phòng.

Hội đồng xét xử vụ án do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu làm Chủ tọa. Dự kiến, phiên tòa kéo dài 10 ngày (tính cả hai ngày nghỉ cuối tuần). 12 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo. Trong đó, luật sư Nguyễn Văn Trung bào chữa cho bị cáo Lê Minh Hoàng; luật sư Lê Hà Thúy Lan bào chữa cho Lê Văn Hoành.

12 bị cáo bị truy tố theo khoản 3, điều 165, tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, gồm:

Lê Minh Hoàng, sinh năm 1945 - nguyên Giám đốc Cty Điện lực TPHCM;

Lê Văn Hoành, sinh năm 1946 - nguyên Phó Giám đốc Cty Điện lực TPHCM;

Phạm Kim Hưng, sinh năm 1962 - nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán Cty Điện lực TPHCM;

Nguyễn Ngọc Hồ, sinh năm 1963 - nguyên Trưởng Phòng kinh doanh Cty Cty Điện lực TPHCM;

Lê Ngô Hữu Thiện Tâm, sinh năm 1944 - nguyên Trưởng phòng hợp tác quốc tế và xuất nhập khẩu Cty Điện lực TPHCM;

Huỳnh Ngọc Thành, sinh năm 1967 – nguyên Phó Phòng kinh doanh; 

Lê Văn Tinh, sinh năm 1958 - nguyên cán bộ Cty Điện lực TPHCM; 

Thái Minh Dương, sinh năm 1969 – nguyên Trưởng phòng hợp tác quốc tế và xuất nhập khẩu Cty Điện lực TPHCM;

Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1960 – nguyên Trưởng phòng kỹ thuật;

Thiều Túc, sinh năm 1952 – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thí nghiệm điện; 

Võ Thành Long, sinh năm 1963 – nguyên Quản đốc phân xưởng Điện kế;

Nguyễn Trung Thảo, sinh năm 1961 -  nguyên Phó phòng Tài chính kế toán.

Năm bị cáo bị truy tố theo điểm a, b, c khoản 3, điều 156, tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả".

Trần Thị Liên, sinh năm 1959 - nguyên  Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Linkton Vina;

Trần Công Điền, sinh năm 1941 – nguyên  Phó Tổng Giám đốc Cty Linkton Vina;

Phan Hữu Quang, sinh năm 1974 -  Quản đốc phân xưởng Cty Linkton Vina;

Nguyễn Trọng Hiếu, sinh năm 1970 - nguyên Trưởng phòng kinh doanh Cty Linkton Vina;

Đặng Thị Kim Liên, sinh năm 1974 - nguyên Kế toán trưởng Cty TNHH Linkton Vina.

MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.