Theo người dân địa phương, những nhóm người này đã đến xin ở trọ trong các nhà dân. Hằng ngày họ thuê thuyền ra bãi bồi nằm giữa đầm phá để đào bới tìm kiếm địa sâm.
Một người trong nhóm đến từ Quảng Nam cho biết, hàng năm từ tháng 3 trở đi cho đến trước mùa mưa, nhóm ông lại đi đào địa sâm khắp các tỉnh ven biển miền Trung. Trung bình mỗi ngày một người có thể bắt được 10kg địa sâm tươi, mang về xẻ ruột, làm sạch rồi phơi khô để bán cho các thương lái Trung Quốc.
Cứ khoảng 10 kg địa sâm tươi sau khi phơi khô sẽ còn khoảng 1kg, bán được 450.000 - 500.000 đồng, lúc cao điểm lên tới 800.000 đồng. Hầu hết người đi đào địa sâm cho biết không rõ thương lái Trung Quốc lùng mua nhiều sản vật này để làm gì.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, Phan Thế Phúng cho biết ngay khi nắm bắt thông tin, Ủy ban xã đã cử công an địa phương đi kiểm tra.
Trước đó, khoảng tháng 6/2014, tại các vùng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xuất hiện tình trạng người dân tập trung đào bới khai thác địa sâm.
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công văn gửi UBND các xã, thị trấn ở khu vực đầm phá ven biển yêu cầu ngăn cấm triệt để tình trạng này nhằm bảo vệ môi trường sinh thái tại đây.