Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhìn từ trên cao
Ngày 9/9, tại Hội nghị giao ban báo chí (Ban Tuyên giáo - Thành ủy Hà Nội) ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường sắt cho biết: Từ nay cho tới lúc hoàn thiện dự án, sẽ không có chuyện đội vốn nữa.
Ông Hùng cho biết, ông cũng mới về nhậm chức được hơn 2 tháng. Ban đầu khi mới về, nhìn những con số phát sinh nâng mức tổng chi phí dự án cũng cảm thấy choáng ngợp, tuy nhiên khi đã nghiên cứu kỹ tình hình thì đều có thể lý giải được.
“Con số tổng điều chỉnh 892 triệu USD là dành cho tất cả các hạng mục của dự án chứ không chỉ riêng phần xây lắp. Nguyên nhân của việc đội vốn này phần lớn nằm ở khoản trượt giá 30% từ lúc ký hợp đồng cho tới thời điểm hiện tại” - ông Hùng cho hay.
Cùng đó, đội vốn còn do rất nhiều chi phí phát sinh khác như: xây dựng nhà ga; bổ sung xử lý nền yếu; thay đổi vỏ tàu sang inox; bổ sung đào tạo nhân lực chuyển giao công nghệ, đặc biệt là tiền giải phóng mặt bằng cũng tăng rất nhiều so với dự kiến …
Trả lời phóng viên câu hỏi các nhà thầu Trung Quốc là sau khi thắng thầu thường tìm cách đội vốn so với tổng mức ban đầu, Ban quản lý có chắc chắn dự án sẽ không tăng vốn trong giai đoạn tiếp theo?
Ông Hùng khẳng định, từ nay cho tới lúc hoàn thiện dự án, chắc chắn sẽ không có chuyện tăng vốn. Những hạng mục phát sinh thì đã phát sinh rồi, tất cả đều đã được tính toán trong tổng mức đầu tư điều chỉnh. Con số này cũng đã được đóng khung”.
Về giá vé tàu, ông Hùng cho hay, tới thời điểm này chưa thể đưa ra con số chính xác, tuy nhiên, ông khẳng định giá vé đi tàu “chắc chắn sẽ rẻ”.
600 nhân lực/13km đường
Theo Ban quản lý dự án, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,05 km đường sắt trên cao với 12 nhà ga từ Cát Linh đến bến xe Yên nghĩa (Hà Đông); đường sắt đôi, khổ 1435mm; tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h; thời gian chạy 1 chuyến khoảng 23,6 phút; lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/h tương đương hơn 1 triệu người/ngày. Thời gian thực hiện dự án ban đầu là 5 năm (từ tháng 11/2008 – tháng 11/2013), tuy nhiên tới nay, sau khi chậm tiến độ gần 2 năm, BQL Dự án vẫn khẳng định phải tới quý III năm 2015 mới có thể hoàn thành toàn bộ dự án.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án cho biết, riêng về khâu đào tạo nhân lực, theo tính toán, để vận hành tuyến đường sắt, cần tới 600 nhân lực với tổng mức chi phí đào tạo, tuyển dụng lên tới 2,9 triệu USD.
Giải đáp băn khoăn “tại sao tuyến đường sắt chỉ dài 13km mà lại cần tới 600 người phục vụ, vận hành?”, Quyền Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng lý giải: Số nhân lực trên được tính toán chi tiết theo định mức chuẩn của đường sắt đô thị. Nếu Hà Nội mở thêm những tuyến khác, số nhân lực này cũng có thể đáp ứng.
“Ví như một hội đồng thi, dù 30 thí sinh hay 1 thí sinh tham dự nhưng cũng phải cần tới 4 cán bộ phục vụ công tác coi thi” - Ông Hùng so sánh.
Tổng vốn đầu tư của dự án theo dự kiến ban đầu là khoảng 435,7 triệu USD. Đến nay, tổng mức điều chỉnh dự án gần 892 triệu USD, tăng thêm hơn 339 triệu USD. Ước tính chi phí để hoàn thiện đi vào vận hành 1km đường sắt đô thị sẽ tăng từ 33 triệu USD lên tới 68 triệu USD/1km.