Phiên chất vấn đầu giờ sáng 12/6, dù câu hỏi đã được nêu ra trước đó nhưng chưa được Bộ trưởng trả lời, ĐB Huỳnh Sang (Bình Phước) đặt lại câu hỏi về giá sữa.
Theo ĐB Sang, giá sữa của trẻ em dưới 6 tuổi được cam kết bán theo thị trường, nhưng trên thực tế, giá bán ra lại quá cao so với các nước Đông Nam Á. Dù đã đưa ra nhiều biện pháp, nhưng đều vô hiệu. Trong thời gian ngắn, doanh nghiệp sữa đã lách được quy định, đẩy giá sữa “ngày càng cao hơn, cao nữa và cao mãi”. Vậy Bộ Công thương có giải pháp gì về thực trạng này?
Trước khi trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng xin lỗi ĐB Huỳnh Sang, dù đã có chuẩn bị rồi, nhưng vì nhiều câu hỏi quá nên… quên mất. Về việc quản lý giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi, theo Bộ trưởng Hoàng, đây là mặt hàng Nhà nước quản lý điều hành, tuy nhiên việc này vẫn chưa đạt được như mong muốn trong thời gian qua.
Giải pháp về việc quản lý giá sữa, theo Bộ trưởng trước mắt là tăng cường sản xuất trong nước, trên thực tế đã ghi nhận một số doanh nghiệp đã thực hiện thành công thời gian qua. Đồng thời gắn phát triển nguyên liệu với phát triển chăn nuôi sẽ góp phần giảm được giá, bên cạnh đó việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng là giải pháp quan trọng. Bộ trưởng Hoàng hứa sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, các đơn vị liên quan thường xuyên có kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngành sữa thực hiện đúng theo quy định của nhà nước.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng giao trách nhiệm cho Bộ trưởng và ngành Công thương, đối với các mặt hàng thiết yếu trong đời sống phải thực hiện công khai, minh bạch. Tất cả phải được thông qua kênh thông tin đại chúng, để người dân biết, tin tưởng. Thậm chí viện phí, học phí sau này cũng vậy, nếu không minh bạch thì tiêu cực sẽ ở trong đó, mà dư luận sẽ không hiểu gì.
“Đã quản lý nhà nước thì phải kiểm soát, công khai minh bạch chi phí và giá bán, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ, tránh bị lợi dụng về giá cả”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.