Giá thực phẩm bắt đầu chững lại
Sau hàng loạt những động thái của cơ quan chức năng, đến thời điểm này, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tại Hà Nội và TP.HCM bắt đầu chững lại.
Ảnh: minh họa - Internet |
Rau tăng nguồn cung
Sau các chỉ thị yêu cầu tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường cùng những động thái kiểm tra, kiểm soát thị trường của các cơ quan chức năng, giá mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, không còn tăng "phi mã" như những ngày vừa qua.
Tại chợ Thành Công (Hà Nội) ngày 21 - 7, giá các loại rau chững lại và giảm nhẹ so với 2 tuần trước. Rau muống trung bình chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/mớ, so với 7.000 - 8.000 đồng/mớ tuần trước. Cà chua từ 12.000-15.000 đồng/kg, rau cải xanh từ 5.000 - 7.000 đồng/bó, rau mồng tơi từ 3.000 - 4.000 đồng/bó, đều giảm nhẹ từ 1.000 - 3.000 đồng/bó tùy loại rau.
Chị Phí Thị Thanh Hương - tiểu thương bán rau tại chợ Thành Công cho biết, mấy hôm nay, việc lấy hàng của những người bán tại chợ đã bớt căng thẳng hơn, do lượng rau nhiều hơn trước sau đợt nắng nóng gây hại nhiều vườn rau.
Thịt lợn vẫn khan
Với giá các mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt lợn, chị Lưu Thị Hà - chuyên bán thịt tại chợ cóc Vũ Thạnh (Hà Nội) cho biết, nguồn cung vẫn chưa cải thiện bao nhiêu. Hiện, giá thịt lợn tại các chợ của Hà Nội vẫn đứng ở mức cao: Thịt thăn là 130.000 - 150.000 đồng/kg, xương sườn 120.000 đồng/kg.
Các loại thịt gia cầm đã quay trở lại mức 130.000-140.000 đồng/kg (đắt hơn trước 10.000 đồng/kg), gà công nghiệp 100.000-110.000 đồng/kg. Giá mặt hàng thịt bò cũng không còn tăng, thịt thăn từ 19.000-20.000 đồng/kg.
So với thị trường Hà Nội, giá thực phẩm tại thị trường TP.HCM “dễ chịu” hơn. Sáng 21 - 7, thịt ba rọi bán lẻ tại chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TPHCM) ở mức 110.000 - 115.000 đồng/kg, các loại nạc vai, nạc đùi dao động từ 120.000 – 125.000 đồng/kg. Cao nhất phải kể đến ba rọi rút sườn, giá 140.000 đồng/kg. Giá bán sỉ cho các tiệm cơm, các nhà hàng “nhẹ” hơn từ 2.000 – 4.000 đồng/kg...
Có một chút khác biệt là giá các loại cá, gà ở TP.HCM tăng nhẹ do nhiều người không mua được thịt nên chuyển sang chọn cá, thịt gà thay thế. Cụ thể, tại chợ Bà Chiểu, trứng gà công nghiệp loại một ở mức 22.500 – 23.000/chục, trứng vịt ở mức 28.500 – 30.000/chục.
Tăng cường kiểm soát thị trường
Ông Nguyễn Lộc An-Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để tránh việc lợi dụng tăng giá. Tới đây, khi có kết luận chính thức về những nghiên cứu thị trường, các bộ ngành sẽ có giải pháp kịp thời, nếu thiếu cung sẽ tăng cung, nếu tăng giá bất hợp lý thì sẽ có hình thức xử lý” - ông An cho biết.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Sở Công Thương, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá tùy tiện, bất hợp lý. Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nông dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng.
81% số người dân cắt giảm chi tiêu Bộ Công Thương cho biết, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của 6 tháng đầu năm 2011 khá cao nhìn từ con số đơn thuần, đạt khoảng 911.733 tỷ đồng, tăng 22,6% so cùng kỳ 2010, nhưng mức tăng thực chất chỉ còn khoảng 5,7% sau khi loại trừ yếu tố "tăng giá”. Điều này chứng tỏ lạm phát đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước. Lạm phát sáu tháng là 13,29%, so với tháng 12 - 2010, đã ảnh hưởng đến đời sống của các tầng lớp dân cư, nhất là người làm công ăn lương, những hộ nghèo. Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay: 81% số người dân đã cắt giảm chi tiêu với những mặt hàng không thiết yếu. |
Theo Mai Nguyễn - Thuận Hải
Dân Việt