Từ lâu, trạm thu phí này nổi tiếng với mức phí cao nhất Việt Nam và thu cả những phương tiện không qua đường tránh Thanh Hoá. Trước phản ứng của dư luận, Bộ GTVT và Tổng Cục Đường bộ VN nhiều lần yêu cầu có thời hạn để chủ đầu tư (Cty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hoá) và địa phương chọn địa điểm khác, tránh gây thiệt hại cho những người không qua tuyến đường tránh vẫn phải trả tiền. Hành động này của Bộ GTVT rõ ràng được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.
Cách đây mấy tháng, đích thân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trước nhiều lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và Cty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hoá đã nói: “Tôi ra hẹn đúng ngày 30-9 mà chưa chuyển trạm sang đường tránh, thì ngày 1-10 phải dừng thu phí”. Ngay lúc đó, lãnh đạo đại diện đơn vị quản lý Trạm thu phí Tào Xuyên nói: “Đến ngày 1-12 được không bộ trưởng”. Ông Thăng dứt khoát: “Ông đừng có mặc cả với tôi”.
Thực ra, thái độ của Bộ trưởng GTVT cũng dễ hiểu. Bởi vì, trước đó không lâu, Tổng Cục Đường bộ VN cũng đã đặt một hạn chót để di chuyển trạm thu phí này, nhưng dường như không ai bận tâm. Và lần này cũng thế. Có lẽ, cực chẳng đã, ngay chiều 1-10 (khi trạm thu phí này chật cứng người phản đối vì bất chấp lệnh ngừng vẫn hoạt động như thường), Bộ GTVT lại gửi công điện khẩn yêu cầu dừng ngay hoạt động. Ngay lập tức, trạm thu phí này mới dừng hoạt động.
Việc mặc cả về thời gian di chuyển và bất chấp yêu cầu của Tổng cục Đường bộ VN trước đó đã cho thấy, ngay từ đầu cơ quan quản lý trạm thu phí này muốn lần lữa. Nghe nói, nếu chuyển sang vị trí mới sẽ thất thu một khoản (vì lượng phương tiện qua QL1A sẽ không phải trả phí). Chưa kể, mối quan hệ giữa địa phương và Cty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hoá đang có vấn đề. Bên nào cũng có lý do để biện minh cho mình (khiến tiến độ chuyển vị trí trạm thu phí chậm). Chỉ có người dân là ngơ ngác và phải chịu thiệt.