Năm 2011, chi phí thuốc khoảng 15 nghìn tỷ đồng (chiếm 61,3%) trong tổng số 25,4 nghìn tỷ đồng chi KCB, đến 6 tháng đầu năm 2012, chi phí thuốc tiếp tục tăng 31% so với cùng kỳ.
Theo BHXH Việt Nam, giá thuốc BHYT trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Cụ thể, cùng một loại thuốc, cùng hàm lượng, dạng bào chế... nhưng khi trúng thầu lại có giá khác nhau. Giá thuốc đấu thầu có sự chệnh lệch lớn giữa các địa phương. Thậm chí, trên cùng địa bàn thành phố, có nơi chênh lệch từ 30% đến 40%.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiện, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang rất quan tâm đến vấn đề đấu thầu thuốc. Trong sử dụng thuốc cần thực hiện mục tiêu an toàn, hiệu quả, đảm bảo công bằng, minh bạch và tính cạnh tranh, góp phần phát triển chất lượng KCB, đảm bảo an toàn cho Quỹ BHYT. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc không hợp lý sẽ gây ra một số vấn đề đáng lo ngại như: thất bại trong điều trị, gây tác dụng phụ, làm tăng một số bệnh, tăng hiện tượng kháng thuốc.
Được biết, hiện nay, hoạt động giám sát giá, chi tiêu và tiêu thụ thuốc tại bệnh viện đang được thực hiện theo hợp tác giữa BHXH Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, WHO còn hỗ trợ Việt Nam về tài chính. Mục đích nhằm đánh giá thực trạng, giám sát thực hiện, từ đó xác định nguyên nhân và đề xuất các biện pháp nhằm giám sát chặt chẽ giá thuốc.