Vinalines vẫn đọng vốn ở chứng khoán, bất động sản
> Vinashin được ngân hàng giảm nợ hơn 13.000 tỷ đồng
> Vinashin trở lại mô hình Tổng công ty, thay tên mới
Hai doanh nghiệp chứng khoán, địa ốc vẫn nằm trong danh sách nắm giữ 20-50% vốn của Vinalines, theo điều lệ vừa được phê duyệt. Trong khi đó, nếu đúng lộ trình, tổng công ty này phải thoái vốn trước 2014.
Theo đề án tái cơ cấu, Vinalines phải thoái hết vốn ngoài ngành. Ảnh minh họa: H.H. |
Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa được Thủ tướng ký ban hành giữa tháng 11. Theo đó, Vinalines có vốn điều lệ 10.693 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, với hình thức công ty mẹ - công ty con.
Ngành, nghề chính của Vinalines được phê duyệt là kinh doanh vận tải đường biển, đường thủy, đường bộ…, khai thác cảng, kho-bãi, dịch vụ logistics, đại lý môi giới cung ứng dịch vụ, tàu biển, lai dắt tàu biển, tàu sông, đưa đón thuyền viên và các dịch vụ hỗ trợ… Tổng công ty này có trách nhiệm thoái vốn khỏi các ngành nghề không thuộc quy định nêu trên.
Tuy nhiên, tại phụ lục được phê duyệt kèm theo quyết định nêu trên, Vinalines có tổng cộng 11 đơn vị trực thuộc, 35 công ty con và 35 công ty liên kết. Trong số này, có Công ty cổ phần Bất động sản Vinalines và Công ty chứng khoán Thủ đô vẫn thuộc danh mục các công ty liên kết mà tổng công ty nắm giữ 20-50% vốn điều lệ.
Trong khi đó, theo lộ trình được đặt ra tại Quyết định 276, ngày 4/2/2013 cũng do Thủ tướng ký ban hành, 2 đơn vị nêu trên thuộc danh mục thoái vốn đợt một của Vinalines, tức là phải thực hiện trong năm 2012–2013. Cũng theo văn bản này, tổng vốn góp của Tổng công ty Hàng hải vào Bất động sản Vinalines và Chứng khoán Thủ đô là hơn 53,5 tỷ đồng, lần lượt chiếm 12,24% và 22,18% vốn.
Cũng theo điều lệ vừa được phê duyệt, hội đồng thành viên của Vinalines sẽ có 5 nhân sự, so với con số 7 hiện nay. Chủ tịch và các nhân sự của hội đồng thành viên, tổng giám đốc có thể bị xét kỷ luật từ cắt thưởng, không được tăng lương đến miễn nhiệm trong các trường hợp như để Vinalines lỗ, mất vốn, không thu hồi được vốn đầu tư, không đảm bảo được tiền lương, chế độ cho người lao động…
Về quản lý tài chính, Vinalines có quyền huy động vốn kinh doanh thông qua phát hành trái phiếu, vay tổ chức tín dụng… theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, bảo đảm hiệu quả và không làm thay đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp. Việc vay vốn nước ngoài phải được phê duyệt chủ trương của Bộ trưởng Giao thông và được Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận.
Trước đó, theo báo của của Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong năm 2013, Vinalines đã cổ phần hóa, chấm dứt hoạt động, giải thể 6 đơn vị, thoái vốn tại 7 công ty. Tổng công ty cũng đã cơ cấu được 7.855 tỷ đồng dư nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và hơn 20.400 tỷ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013–2014. Đồng thời, Vinalines đã hoàn thành thủ tục bổ sung 900 tỷ đồng vốn điều lệ.
Theo Nhật Minh
VnExpress