Nỗi lo tư duy tiểu nông sau cánh đồng mẫu lớn

Nỗi lo tư duy tiểu nông sau cánh đồng mẫu lớn
TP - Câu chuyện thực tiễn tại Yên Khánh-huyện đầu tiên ở Ninh Bình thí điểm cánh đồng mẫu lớn (CĐML) cho thấy phải cần một tư duy mới, không chỉ đơn giản góp ruộng, bỏ bờ bao.

> Nghĩ cách 'đột phá' vốn cho nông nghiệp ĐBSCL

Nông dân hồ hởi lên đời

Lão nông dân Hoàng Việt Hùng (ở xóm 1) kiêm Chủ nhiệm HTX Vân Tiến, xã Khánh Vân (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) kể say sưa về CĐML, nơi ông và bà con xã viên tham gia. Gia đình ông có 15 sào ruộng, nhưng có tới 8 sào nằm trong quy hoạch 100 ha CĐML của xã.

Ông Hùng cho biết, CĐML về Khánh Vân năm 2012, với 100 ha chia đều cho 2 HTX là Vân Tiến và Xuân Tiến. “Trước đây, mỗi vụ chúng tôi thường cấy lúa Khang dân 18, lúa lai, LT2... Mỗi nhà một mảnh, người cấy trước nối đuôi kẻ gieo sau.

Nhìn cánh đồng vàng - xanh lỗ chỗ, chẳng khác gì xôi đỗ. Từ khi làm CĐML, chúng tôi được tập huấn, cày bừa, gieo cùng lúc, cùng giống, phun thuốc trừ sâu, diệt chuột, thu hoạch cùng đợt bằng máy gặt đập liên hợp. So cách làm cũ, giảm công cấy, gặt, lại được hỗ trợ một phần giống, phân bón, năng suất cao hơn” - ông Hùng nói.

Theo cách tính của bà Trần Thị Tuyết, cán bộ khuyến nông của xã Khánh Vân: Khi nông dân tham gia CĐML, trồng lúa chất lượng cao QR1 và RVT, thu nhập có tăng, giá lúa thường cao hơn 1.500-2.000 đồng/kg so lúa thường. “Với cách làm cũ, trung bình 1 ngày 2 vợ chồng cấy được sào. Bây giờ gieo sạ rồi, 1 ngày 2 vợ chồng có thể làm 5 sào, quá đơn giản. Tiết kiệm được công cấy khoảng 200 nghìn đồng/ngày”, bà Tuyết hồ hởi.

Năm ngoái, khi mới tham gia CĐML, chỉ khoảng 20% trong số 620 hộ nằm trong diện 100 ha chấp hành nghiêm túc theo hướng dẫn của cán bộ. Nhưng khi thấy CĐML có hiệu quả rõ rệt, năm nay mọi người tự nguyện tham gia răm rắp.

Bà Tuyết nói như một chuyên gia: “Chúng tôi nghĩ nôm na trên cùng 1 cánh đồng, nông dân trồng cùng đợt, cùng dịp chăm sóc; bón phân, phun thuốc và thu hoạch cùng lúc. Điều quan trọng là nông dân thay đổi cách nghĩ, hướng đến quy mô hàng hóa rộng hơn; chứ không chỉ chăm chút mảnh ruộng nhà mình”.

Dẫn PV Tiền Phong thăm khu vực làm CĐML, ông Vũ Bình Minh-Phó Chủ tịch xã Khánh Cự (Yên Khánh, Ninh Bình) chia sẻ: “Chúng tôi đang cho chỉnh trang lại đồng ruộng; đắp những con đường lớn hơn để xe tải nhỏ, máy gặt đập liên hợp chạy sâu vùng làm CĐML. Hiện, cả xã trung bình 3,8 mảnh/hộ, nhưng ngày 15/11 tới, sẽ cho bốc thăm vị trí, dồn lại khoảng 1,5 mảnh/hộ”. Theo ông Minh, ngoài thí điểm 100 ha CĐML theo chủ trương của huyện, riêng ở Khánh Cự sẽ tự làm cùng một giống, cùng đợt.

vẫn Bán hàng qua... hàng xáo

Niềm vui được làm ruộng trên cánh đồng thẳng cánh cò bay, tương lai máy móc hiện đại hoạt động thay chân lấm tay bùn ở Yên Khánh đã rõ. Tuy nhiên, nông dân nhìn đống sản phẩm đẹp, đều tăm tắp mà không khỏi lo âu.

Hiện ở Yên Khánh có 7 xã/19 xã, thị trấn làm thí điểm CĐML, với trung bình khoảng 100 ha/xã, và đang mở rộng thêm. Dù được tỉnh hỗ trợ một phần ban đầu về giống, máy gặt đập liên hợp, phân bón... được nông dân đón nhận. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn còn bế tắc.

Ông Vũ Bình Minh cho biết, hiện trung bình của xã mỗi khẩu có khoảng 2,2 sào lúa (vụ Xuân khoảng 2,5 tạ/sào, vụ mùa cũng khoảng 2 tạ/sào, tính ra khoảng 1 tấn/khẩu/năm). Trong khi mỗi người tiêu thụ nhiều lắm cũng chỉ khoảng 3 tạ, còn lại dư thừa, phải bán. Nông dân ở đây bán hàng vẫn chủ yếu qua “hệ thống” hàng xáo. Ở đây, bà con nói là “tự sản, tự tiêu”. Theo ông Minh, trước đây có Tổng Cty CP Giống cây trồng và Con nuôi Ninh Bình về bàn chuyện để thu mua sản phẩm, nhưng cuối cùng không ký kết được hợp đồng. “Toàn thấy ông đi bán giống, vật tư; chưa thấy ông đi mua lúa cho bà con nông dân”- ông Minh nói.

Dù phấn khởi với khí thế làm CĐML, ông Bùi Văn Phúc- Phó Chủ tịch xã Khánh Vân cũng ngậm ngùi: “Nói thật với các chú, đó là bài toán khó. Lúa làm ra, chủ yếu hàng xáo mua đi, bán lại. Còn khâu liên kết với doanh nghiệp vẫn chưa làm được”. Ông Phó chủ tịch Phúc chia sẻ thêm: Trồng lúa cho thu nhập chỉ khoảng 6,7 triệu đồng/người/năm, tính ra chỉ quanh mức 500-550 nghìn đồng/người/tháng. Thu nhập thấp nên thanh niên ra phố, vào khu công nghiệp kiếm sống. Trên những cánh đồng còn lại những ông bà già.

Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Yên Khánh cho biết, làm CĐML, nông dân cho thu nhập gấp 1,2 lần so với canh tác bình thường, nhưng gặp khó khăn về tiêu thụ. UBND huyện cũng chỉ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Hiện tại có Cty Hồng Quang đang tham gia cung ứng giống lúa. Năm ngoái, có Tổng Cty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) về ký hợp đồng thu mua lúa, nhưng năm nay, không thấy đâu.

Theo Bộ NN&PTNT, cái khó khi làm CĐML là thiếu doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, để nông dân yên tâm tham gia sản xuất. Nông dân sản xuất nhỏ, chưa quen liên kết. Một số nơi chưa có HTX, hoặc HTX hoạt động yếu, chưa đủ sức tổ chức, hỗ trợ cho nông dân. Nhiều cán bộ cơ sở còn ngại khó, trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tổ chức nông dân dồn điền đổi thửa, khuyến khích cho thuê, góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.