> Chất lượng phân bón ngang với… đất
> Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phân bón
Cán bộ móc ngoặc, tráo mẫu
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), các loại phân bón giả, kém chất lượng, nhái nhãn mác... đang làm loạn thị trường. Các đối tượng còn dựa vào Hội Nông dân địa phương, làm hợp đồng tín chấp; mở hội thảo ở quán cà phê... mời nông dân đến, chào hàng một đằng, bán một nẻo.
Hiện, một số lớn đại lý phân bón ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên trong cửa hàng còn có máy trộn bê tông để chế biến phân bón. Ở khu vực biên giới phía Bắc, phân bón nhập từ Trung Quốc (DAP, Ure, Kali...) đa phần là kém chất lượng. Sau đó, những đối tượng lừa đảo lấy bao bì của Đạm Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc, Ninh Bình... đóng gói, rồi bán cho nông dân.
“Ở một số địa phương, cán bộ còn móc ngoặc, thỏa hiệp, đồng lõa để ăn chia lợi nhuận với gian thương. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì nghị định phân bón ra đời có ý nghĩa gì”. Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy |
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký FAV nói: “Những đại lý này lấy phân bón có thương hiệu, trộn với phân bón giả, đóng bao như hàng “xịn” để lừa nông dân. Việc này, đánh vào tâm lý, nông dân tìm đến đại lý mua, bao giờ cũng tin cậy hơn ở cửa hàng nhỏ lẻ. Nông dân chọn phân bón thương hiệu lớn mua, chứ làm sao biết được chất lượng thế nào. Trong chuyện này, chỉ có bà con nông dân chịu thiệt”.
Theo FAV, bên cạnh các thủ đoạn tinh vi của đối tượng làm giả, còn có sự tiếp tay của các cơ quan chức năng. Có trường hợp, khi quản lý thị trường bắt phân giả, kém chất lượng, lấy mẫu đi kiểm tra. “Tuy nhiên, bộ phận thực hiện lại đổi mẫu khác vào, khiến kết quả kiểm định là vẫn tốt. Móc ngoặc là ở chỗ này và đang phổ biến”- ông Thúy nói.
Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Sao (chủ thương hiệu phân bón Năm Sao) cho biết, các đại lý phân bón cũng làm giả tràn lan, có đại lý làm tới 2-3 thương hiệu phân bón, bán cho nông dân với giá rẻ. “Gần như có sự làm ngơ của cơ quan chức năng. Nếu có lấy mẫu kiểm tra, họ đổi được cả mẫu” - ông Mười nói.
Theo lãnh đạo FAV, nghị định về quản lý, kinh doanh phân bón là đòi hỏi rất bức thiết của nông dân, doanh nghiệp..., nhưng từ năm 2011 đến nay, vẫn chưa hình thành. Hiện FAV đang phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế, lực lượng quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp sẽ xử lý đồng loạt 5-6 điểm nóng tại đồng bằng sông Cửu Long, Trung Trung bộ và Tây Nguyên. Sau đó, FAV sẽ báo cáo Thủ tướng để chấn chỉnh toàn ngành.
Dừng cấp phép mới để kiểm tra
Khốn đốn vì phân bón giả . |
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong khâu kiểm, khảo nghiệm các sản phẩm, vật tư nông nghiệp đang có vấn đề. Chỉ riêng lĩnh vực phân bón, vừa qua kiểm tra một số cơ sở sản xuất không cung cấp được hồ sơ cấp phép cho sản phẩm lưu hành. Một số cơ sở khảo nghiệm, kiểm nghiệm làm không khách quan, chưa kể, có sự thông đồng giữa nơi khảo nghiệm và nơi sản xuất, cấp phép.
Bà Thu nói: “Có thông tin các cơ sở kiểm nghiệm đang vận động doanh nghiệp hợp thức hóa sai phạm, mua chuộc thanh tra nông nghiệp tại địa phương, khiến sản phẩm, vật tư nông nghiệp kém chất lượng tuồn ra thị trường. Tôi đã đề nghị thanh tra bộ khẩn trương kiểm tra”. Theo bà Thu, hiện Thanh tra Bộ NN&PTNT đã tổ chức các đoàn kiểm tra, làm rõ để báo cáo Bộ trưởng Cao Đức Phát trong tháng 11 tới.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu, các đơn vị trong ngành nông nghiệp khẩn trương rà soát quy trình khảo, kiểm nghiệm, cấp phép các sản phẩm, vật tư nông nghiệp ở các lĩnh vực của ngành, để loại những sản phẩm kém chất lượng ra ngoài danh sách cấp phép. Theo đó, trong thời gian rà soát lại, cơ quan chức năng không được kiểm nghiệm, cấp phép cho các sản phẩm mới, tránh việc hợp thức hóa cho các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn.
Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa công bố kết quả bước đầu trong đợt thanh kiểm tra diện rộng ở 29 tỉnh, thành về phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, trong số 1.309 mẫu được lấy, phát hiện 119 mẫu kém chất lượng, 11 mẫu (của Đắk Nông và An Giang) là hàng giả.
Đặc biệt, phát hiện 3 mẫu phân bón giả ở Hậu Giang của Cty CP nông nghiệp Sao Vàng (Kiên Giang), Cty CP nông nghiệp Nhất, Cty TNHH Bảo Minh (ghi trên bao bì địa chỉ ở TPHCM), nhưng qua kiểm tra đều là “địa chỉ ma”. Hiện, thanh tra Bộ đang phối hợp với Bộ Công an xử lý các đối tượng vi phạm.