Khối FDI thống lĩnh xuất khẩu: Lo doanh nghiệp nội 'chết lâm sàng'

Khối FDI thống lĩnh xuất khẩu: Lo doanh nghiệp nội 'chết lâm sàng'
TP - Số liệu về kim ngạch xuất khẩu vừa được công bố cho thấy, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang thống lĩnh xuất khẩu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình này đang khiến DN trong nước chết lâm sàng và lo bị thâu tóm.

> Doanh nghiệp lãi thật nhưng vẫn kêu lỗ
>Keangnam đòi Bộ Tài chính trả lại tiền
>Doanh nghiệp FDI kêu lỗ triền miên

Cuộc chơi không cân sức

Bộ Công Thương vừa triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các tháng cuối năm 2013 và năm 2014. Theo số liệu công bố, trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt 96,27 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, trong tổng KNXK, khu vực DN FDI chiếm tới 61%, đạt 58,69 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

   Nhà nước cần phải nghiên cứu, phải tính toán kỹ càng về mọi mặt từ chính sách tiền tệ, thuế, phí... nếu không DN trong nước sẽ chết hoặc bị thâu tóm hết

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Hiện, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch cao đã rơi vào tay các DN FDI. Cụ thể, KNXK điện thoại và linh kiện đạt 15,521 tỷ USD, trong đó DN FDI chiếm tới hơn 15,4 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 7,7 tỷ USD, DN FDI chiếm tới 7,568 tỷ USD. Chưa hết, KNXK nhiều nhóm ngành hàng chủ lực khác cũng thuộc phần lớn vào DN FDI như: giày dép 4,6/6 tỷ USD; dệt may gần 7,8/13 tỷ USD; sản phẩm gỗ 1,6/2,6 tỷ USD; túi xách, va li, mũ, ô dù hơn 0,9/1,38 tỷ USD...

Với nhóm hàng nông, thủy sản (vốn là lợi thế của DN trong nước) cũng đang bị DN FDI nhảy vào tận thu và đạt KNXK không nhỏ như: cà phê 0,67/2,2 tỷ USD; thủy sản 0,4/4,6 tỷ USD; hạt tiêu 251/748 triệu USD; rau quả 78/787 triệu USD... Đại diện Bộ Công Thương cho biết, số liệu trên chứng tỏ, mảng sáng xuất khẩu hiện đang thuộc về khu vực FDI; còn mảng tối đang bao trùm DN Việt Nam. Theo vị này, xuất khẩu bền vững không thể dựa vào DN ngoại mà phải tăng cả lượng và chất bằng chính nội lực của DN nội.

DN nội “chết lâm sàng”, lo bị thâu tóm

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, về xuất khẩu, DN Việt Nam không thể theo kịp DN FDI. Lý do, nếu như DN trong nước phải chịu lãi suất cao từ 10-20%, DN FDI chỉ chịu lãi suất 1-2%. Ngoài ra, khi vào Việt Nam, DN FDI đã có sẵn và làm chủ thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, DN trong nước sức cạnh tranh yếu, không có thị trường xuất khẩu, vừa làm vừa lo đầu ra.

Theo ông Thành, điều đáng nói, trong khi DN FDI đang lợi đủ đường còn nhận được nhiều ưu đãi về thuế, đất đai...; còn DN nội vốn đã lép vế lại không được ưu đãi, đói vốn. “DN nội khổ hơn DN ngoại là phải mất khoản tiền ngoài luồng tới 10%. Trong khi đó xuất khẩu không thu lãi được tới 10%, may lắm chỉ được 3-5%”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, so với các nước, lãi suất ở Việt Nam quá cao, đây là nguyên nhân khiến DN trong nước không ngóc đầu lên được. Bằng chứng, trong hai năm qua, tỷ trọng xuất khẩu của DN FDI tăng cao chóng mặt, trong khi DN Việt Nam đang chết lâm sàng, gồng mình lên để tồn tại. “Nhà nước cần phải nghiên cứu, phải tính toán kỹ càng về mọi mặt từ chính sách tiền tệ, thuế, phí..., nếu không DN trong nước sẽ chết hoặc bị DN FDI thâu tóm hết”, ông Thành nói.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc DN FDI thống lĩnh xuất khẩu có những dấu hiệu không tốt. Rõ ràng DN trong nước đang lép vế trước DN FDI. Dù chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhưng DN FDI không tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế (vì chủ yếu nhập khẩu, lắp ráp, rồi xuất khẩu mà ít sản xuất). “Như Cty Samsung, xuất khẩu tới gần 20 tỷ USD nhưng lại nhập khẩu tới hơn 19 tỷ USD, trong khi họ được ưu đãi về thuế nên thực chất đóng góp cho nền kinh tế không cao”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, nếu Nhà nước không có cải thiện sớm, DN trong nước sẽ tiếp tục kém đi. Hơn nữa, sau thời gian hết ưu đãi, khi lợi nhuận thu được không cao nữa, DN FDI sẵn sàng di chuyển đến một nước khác có lợi nhuận cao hơn. “Trong 10 năm tới họ còn ở Việt Nam, nhưng khi hết ưu đãi, ai cấm được họ di chuyển sang nước khác”, ông Phong nói.

Ông Phong cho rằng, để phòng bị, chính sách tiền tệ, thuế, phí... cần phải nâng cấp hơn nữa. Việc áp dụng thuế thu nhập DN hiện nay cần phải xem xét lại. Chính sách thuế của chúng ta hiện có gì đó hơi cực đoan. Vấn đề hoàn thuế cũng thế, đã không thu được thuế, nhà nước còn phải hoàn thuế oan cho DN.

“Đã là DN FDI, họ có đủ nhân lực và kinh nghiệm để trốn thuế, thậm chí là trốn rất siêu nên phải thay đổi chính sách về thuế để phòng chống họ trốn thuế, chuyển giá”, ông Phong nói.

Với DN trong nước, ông Phong cho rằng, nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ để họ lớn lên và tham gia được vào chuỗi cung ứng của DN FDI. Theo lộ trình của DN nước ngoài, đầu tiên DN trong nước là đại lý phân phối, tiếp đến sản xuất theo giấy phép, rồi mới tách riêng thành các công ty độc lập. Thực tế, hiện, DN trong nước chủ yếu là đại lý phân phối chứ chưa sản xuất theo giấy phép.

“Trong thời gian tới, DN trong nước phải mạnh dạn sản xuất theo giấy phép, theo công nghệ mà DN FDI chuyển giao. Thà sản xuất một cái đinh vít mà xuất khẩu được trên toàn thế giới còn hơn lắp ráp một cái ô tô nhưng chỉ sử dụng được ở một vài tỉnh thành trong nước”, ông Phong nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.