Trường học nhỏ, trụ sở công quyền to

Trường học nhỏ, trụ sở công quyền to
TP - Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong khi trường học, bệnh viện thiếu thốn, lại xây dựng trụ sở “hoành tráng” là biểu hiện rất đáng lo ngại.

> Muôn kiểu lãng phí tiền công: Trụ sở vừa xây đã sửa
> Đầu tư hơn 10 tỷ xây chợ rồi bỏ hoang giữa thủ đô

“Bộ Xây dựng là tấm gương”

Mới đây, khi thảo luận việc thực hiện pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nói đã đi đủ 63 tỉnh thành nên có thể phản ánh đúng: “Có nhiều tỉnh trụ sở to như cung điện, rộng mênh mông như công viên, trông như nơi du lịch thắng cảnh, đẹp và lộng lẫy nhưng rất phản cảm khi mà tỉnh còn nghèo, đất nước còn nghèo”.

Nhận xét về thực tế trụ sở cơ quan nhà nước hoành tráng, trong khi nhiều trường học, bệnh viện thiếu thốn, TS. Lê Đăng Doanh nói đó là biểu hiện rất đáng lo ngại. Nhà nước thu thuế để đem lại các dịch vụ công tốt. “Giờ nhà nước lại dùng tiền chủ yếu chi tiêu cho bộ máy hành chính, để xây trụ sở hoành tráng là biểu hiện sai lầm và lệch lạc”, ông Doanh thẳng thắn.

Theo ông Doanh, cần xem xét lại tỷ lệ chi hành chính chiếm bao nhiêu, còn lại phải chi cho dân được hưởng lợi. “Tốt nhất nên công khai minh bạch, công bố rộng rãi việc chi tiêu để người dân biết, và để họ có đồng ý hay không”, ông Doanh đề xuất. Cũng theo chuyên gia này, lãng phí không chỉ trong xây trụ sở, còn xuất hiện trong tầm nhìn quy hoạch, xây cái sau là đập bỏ cái trước; lãng phí trong chính sách, tới các dự án cụ thể đều có. Thậm chí có quan chức còn bẻ cong cả thiết kế đường để qua nhà mình. “Vừa rồi Bộ Xây dựng xin không xây trụ sở mới để tiết kiệm, đấy là một tấm gương để các nơi khác nên học hỏi”, ông Doanh nói.

Đồng tình quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, phải xem xét đánh giá tính hiệu quả, nhu cầu để xây mới. “Hiện có những trụ sở cơ quan chưa tới mức bức xúc, nhưng vẫn xây quá lớn, quá nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết”, ông Thuyền nói. Theo đại biểu này, đi nước ngoài thấy trụ sở của họ rất đơn giản, nước ta còn nghèo, nhưng nhiều nơi xây trụ sở, cơ quan rất hoành tráng, sang trọng quá. Trong khi đó cơ sở chữa bệnh, trường học nhiều nơi khó khăn.

Trụ sở to, nhưng hiệu quả công việc nhỏ

Bàn về câu chuyện trụ sở to, trường học nhỏ, thiếu thốn, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, hiện nay nhà nước đã có tiêu chuẩn diện tích phòng làm việc cụ thể tới từng chức danh.

“Nhiều người nói, cơ quan công quyền phải hoành tráng để thể hiện quyền uy, nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay cần phải tuân thủ quy chuẩn. Cơ quan hoành tráng, nhưng sản phẩm không hoành tráng thì chỉ tốn tiền dân”, ông Chủng nói.

Về việc trụ sở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đầu tư gần 90 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng đã bị sụt lún, ông Chủng nói: “Điều này gây lãng phí lớn, đáng lẽ chỉ cần làm một lần, cuối cùng phải sửa chữa nhiều lần. Chưa kể lãng phí niềm tin, hình ảnh cơ quan công quyền bị bôi xấu trong mắt người dân”. Theo ông, chủ đầu tư phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng.

Mang tiếng học tại Thủ đô, nhiều học sinh ở đây phải vạ vật vì thiếu thốn trường lớp, như trường Tiểu học Bà Triệu (31 Tô Hiến Thành, Hai Bà Trưng) từng là biệt thự cũ. Hiệu trưởng trường này cho biết, học sinh nhiều năm nay phải khai giảng, chào cờ dưới lòng đường Tô Hiến Thành, học nhờ ở 3 điểm trường khác nhau. Trường tiểu học Thúy Lĩnh (phường Thúy Lĩnh, Hoàng Mai) chỉ có 10 phòng học, học sinh chỉ được học 1 buổi/ngày. Nhiều trường khác như Tiểu học Chu Văn An (130 Thụy Khuê, Tây Hồ), Tiểu học Võ Thị Sáu (35 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm)… cũng phải học nhờ địa điểm khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG