Độc quyền nhập vàng, lo vơi ngoại hối
> Truy tìm ông chủ Tricon Towers Hà Nội khắp thế giới
> Giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2013
Không nhẹ nhàng như đánh giá về thị trường ngoại hối, những nhìn nhận về việc điều tiết thị trường vàng ẩn chứa nhiều lo ngại tại bản tin kinh tế vĩ mô vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành sáng nay (23/9).
Bắt đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng vào cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đến nay đã có 60 phiên đấu thầu vàng, chào bán tổng cộng 1.682.000 lượng vàng, tương đương hơn 63,2 tấn vàng, và bán được 1.576.700 lượng, tương đương gần 59,1 tấn. |
Theo bản tin, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có những can thiệp chủ động để điều tiết ổn định thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lý do cơ bản giúp đạt được điều này là nhờ lạm phát được kiềm chế, ổn định kinh tế vĩ mô được thiết lập và lãi suất huy động vẫn duy trì được ở mức thực dương và còn tương đối hấp dẫn trong tương quan với các cơ hội đầu tư khác.
Cơ quan xây dựng bản tin cho rằng điều này cho thấy nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm thì sẽ gây sức ép lên các thị trường ngoại tệ và vàng do lãi suất thấp sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ đô la và vàng. Qua đó có thể kích hoạt sự dịch chuyển của người dân từ VND sang các tài sản có mức độ thanh khoản cao này.
Với thị trường vàng, nơi mà những tranh luận về quản lý đã từng làm “dậy sóng” ở các phiên chất vấn tại nghị trường trong một số kỳ họp gần đây, bản tin cũng tiếp cận ở nhiều góc độ.
Theo Ủy ban Kinh tế, còn có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến kết quả thực hiện Nghị định 24 như việc các ngân hàng thương mại đã tất toán trạng thái huy động vàng theo thời hạn đặt ra là ngày 30/6/2013, hay kết quả của việc thực sự bóc tách hoàn toàn vốn vàng cùng những xáo trộn, rủi ro của nó khỏi hệ thống ngân hàng, đồng thời giúp nâng cao hiệu lực của chính sách tiền tệ.
Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục các phiên đấu thầu vàng ngay cả khi thời hạn tất toán cho các ngân hàng thương mại đã qua cũng đặt ra những câu hỏi về nhu cầu thực sự đối với vàng cũng như khả năng cũng như khả năng duy trì nguồn cung của Ngân hàng Nhà nước trong trung và dài hạn.
Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế - cơ quan giữ vai trò chủ trì thẩm tra báo cáo định kỳ của Chính phủ với Quốc hội về kinh tế xã hội - vẫn nhấn mạnh rằng, “việc quản lý thị trường vàng còn chưa đạt được mục tiêu quan trọng do Quốc hội đặt ra là giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và giá quốc tế”.
Cơ quan xây dựng bản tin cho rằng, nếu như việc chênh lệch giá đáng kể này kéo dài cho đến thời hạn 30/6/2013 thì có thể hiểu là do nhu cầu vàng rất lớn để các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái vàng thì chênh lệch còn ở mức đáng kể cũng như khối lượng vàng tiếp tục được cung ứng với số lượng lớn sau thời điểm nói trên gây ra một số quan ngại liên quan tính hiệu quả của quản lý thị trường vàng.
Sự chênh lệch này có thể kích hoạt các hoạt động nhập lậu vàng do giới đầu cơ có thể chuyển hóa vàng nhập lậu sang vàng nữ trang trong bối cảnh nhu cầu vàng còn lớn, một phần do nền kinh tế còn bất ổn và do vậy vàng vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn để doanh nghiệp hay người dân bảo toàn vốn và cất giữ giá trị.
Với nhu cầu vàng trên thị trường còn lớn như hiện nay, việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng và cung ứng cho thị trường gây ra mối quan ngại về việc dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng, do phải sử dụng để nhập khẩu vàng cùng các hệ lụy khác, bản tin nêu rõ.
Lo ngại tiếp theo được đưa ra là các chức năng quản lý, giám sát thị trường vàng và trực tiếp kinh doanh vàng còn chưa được tách bạch rõ ràng. Việc điều tiết thông qua những áp chế hành chính có thể đạt được một số mục tiêu nhất định trong ngắn hạn, song có thể có những hệ lụy trong trung đến dài hạn.
Các tác giả của bản tin cho rằng, nếu chính sách độc quyền còn kéo dài, các nguyên tắc của kinh tế thị trường chưa được tuân thủ đầy đủ thì rủi ro sẽ bị dồn nén và có thể sẽ bùng phát khi vượt qua một ngưỡng nhất định.
Bởi vậy, theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế thì hiệu quả của chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay cần được tiếp tục nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng hơn để có thể có những điều chỉnh chính sách cần thiết nhằm hướng tới một thị trường vàng hiện đại và hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Bắt đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng vào cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đến nay đã có 60 phiên đấu thầu vàng, chào bán tổng cộng 1.682.000 lượng vàng, tương đương hơn 63,2 tấn vàng, và bán được 1.576.700 lượng, tương đương gần 59,1 tấn.
Theo Vneconomy