> Vốn ODA chạm ngưỡng 80 tỷ USD
> Đón dòng đầu tư mới từ Nhật vào Việt Nam
Theo ông Akira Shimizu, không phải vì dự án cầu Nhật Tân chậm tiến độ mà Nhật Bản sẽ cắt giảm hay thay đổi phương thức viện trợ ODA cho Việt Nam. Việc dự án cầu Nhật Tân chậm tiến độ là thách thức tình thế, gây khó khăn cho Jaica. Tuy nhiên, ODA cho Việt Nam sẽ không có gì thay đổi vì sự chậm trễ tại dự án này. “Nguyên nhân chính khiến dự án cầu Nhật Tân chậm tiến độ là do khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB). Tôi được biết, Việt Nam đang rất chật vật để giải quyết vấn đề này. Nếu GPMB tốt, chắc chắn việc thi công sẽ đảm bảo để công trình sớm đưa vào sử dụng”, ông Akira Shimizu nói.
Cầu Nhật Tân được khởi công tháng 3/2009 và dự kiến đến tháng 10/2014 sẽ hoàn thiện đi vào khai thác. Cầu được thiết kế vĩnh cửu với kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng. Chiều dài toàn tuyến là 8,4 km; trong đó cầu dài 3,9 km, đường dẫn 4,5 km; chiều rộng đảm bảo cho 8 làn xe, trong đó 6 làn xe cơ giới. Dự án có tổng mức đầu tư 7.530 tỷ đồng, gồm vốn vay từ Jaica và một phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đang đề nghị bồi thường (có thể lên tới 200 tỷ đồng) do dự án cầu Nhật Tân chậm tiến độ GPMB 1,5 năm. Ông Trường cho biết, nếu đưa ra tòa, phần thắng sẽ nghiêng về nhà thầu Tokyu.
Hiện, phần lớn diện tích mặt bằng cho dự án cầu Nhật Tân đã giải phóng xong, chỉ còn vướng ở Sóc Sơn (hơn 300 hộ dân) và phía nam cầu (hơn 100 hộ ở quận Tây Hồ). Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các bên liên quan phải dùng mọi giải pháp để giải quyết bằng được mặt bằng cho cầu Nhật Tân, bàn giao cho đơn vị thi công trong tháng 10 tới.