Những đại gia Việt nổi danh trên đất Lào

Những đại gia Việt nổi danh trên đất Lào
Làn sóng đầu tư sang Lào ngày càng lớn mạnh khi các "ông lớn" Việt không ngừng tăng vốn đầu tư sang đất nước này.

Những đại gia Việt nổi danh trên đất Lào

> Biệt thự nghỉ dưỡng Đà Nẵng: Giảm giá hơn 1.000USD/m2

> Những đại gia Việt nhiều 'ôm' nhiều chức vụ nhất 

Làn sóng đầu tư sang Lào ngày càng lớn mạnh khi các "ông lớn" Việt không ngừng tăng vốn đầu tư sang đất nước này.

Trung tâm nhiệt điện của Hoàng Anh Gia Lai đã phát điện hòa vào lưới điện quốc gia Lào
Trung tâm nhiệt điện của Hoàng Anh Gia Lai đã phát điện hòa vào lưới điện quốc gia Lào.
 

Trong những năm gần đây, làn sóng đầu tư vào Lào đang gia tăng mạnh mẽ. Các "ông lớn" Việt không ngừng dốc vốn vào thị trường đầy tiềm năng mà chưa được khai phá hết này. Trong các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Lào phải kể đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) với hàng loạt các dự án nghìn tỷ tại đây.

Bầu Đức bắt đầu đầu tư vào Lào từ năm 2007, ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Tính đến thời điểm này, Lào là quốc gia nước ngoài đầu tiên thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của HAGL với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 900 triệu USD.

Cụ thể, bầu Đức có ba dự án trồng cao su, trồng mía đường với tổng diện tích lên đến 30.000 ha. Giá trị đầu tư khoảng 210 triệu USD. Dự án cụm nhà máy gồm nhà máy sản xuất đường 7000 tấn/ngày, nhà máy nhiệt điện công suất 30 MW, nhà máy ethanol 12.000 tấn/năm và nhà máy phân vi sinh công suất 50.000 tấn/năm tại tỉnh Attapeu có cùng một loại nguyên liệu là cây mía, giá trị đầu tư 100 triệu USD.

Dự án thủy điện Nậm Kông 2, Nậm Kông 3, Hạ Xê Kông, Sê Sụ và Nậm Ét có tổng công suất lên đến 400 MW, trị giá khoảng 500 triệu USD.

Về khoáng sản, bầu Đức sở hữu một mỏ đồng tại Xê Kông và một mỏ sắt tại huyện Đắc Chưng tỉnh Xê Kông, giá trị đầu tư khoảng 70 triệu USD. Ngoài ra, dự án 2 sân bay tại tỉnh Attapeu và tỉnh Hủa Phăn cũng có giá trị khoảng 60 triệu USD.

Bên cạnh đó, để phục vụ cho các dự án nói trên, HAGL đã đầu tư 35 triệu USD không hoàn lại cho các dự án bệnh viện, hạ tầng giao thông, nhà ở tặng cho 2 tỉnh Attapeu và Xê Kông của Lào. Theo bầu Đức, khi kết thúc các dự án đầu tư vào năm 2014, HAGL sẽ tạo ra một kim ngạch xuất khẩu lên đến 400 triệu USD/năm cho 2 tỉnh nói trên, trong đó Attapeu chiếm 90%.

Nhà ở do HAGL xây tặng cho người dân Attapeu
Nhà ở do HAGL xây tặng cho người dân Attapeu .
 

Báo chí Lào khẳng định, Tập đoàn HAGL của ông Đoàn Nguyên Đức là nhà đầu tư nước ngoài thành công nhất tại Lào với số vốn gần 1 tỷ USD và thực sự mang lại cuộc sống ấm no cho người dân trong vùng dự án. HAGL đã biến những vùng đất cằn cỗi xơ xác thiếu nước trước đây của Attapeu thành những cánh đồng cao su và rừng mía bạt ngàn. HAGL đã giúp người dân xóa bỏ được tập quán làm ăn lạc hậu, săn bắn hái lượm là chính trở thành những công nhân nông nghiệp làm giàu trên mảnh đất của mình.

Ngoài nhà đầu tư số 1 ở Lào là HAGL, các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam cũng đang khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực đầu tư tại nước bạn Lào.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đang thực hiện một dự án trọng điểm tại Lào về khai thác muối mỏ. Đây là dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của Vinachem, đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam và Lào chủ động được nguyên liệu cho sản xuất phân bón, hóa chất, đồng thời tiết kiệm được ngoại tệ từ việc giảm nhập khẩu.

Sau khi được Chính phủ Lào cho phép triển khai thăm dò trữ lượng muối công nghiệp, Hội đồng chuyên gia 2 nước Việt Nam và Lào đã công nhận Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, đủ điều kiện khai thác, chế biến công nghiệp. Vinachem đã trình Bộ Công thương thiết kế cơ sở để hoàn tất mọi thủ tục đầu tư, triển khai Dự án trong thời gian sớm nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa .
 

Ngày 4/3/2013, Bộ Công thương đã ra quyết định phê duyệt Dự án này, theo đó khu vực khai thác phía Nam khu mỏ Nonglom có diện tích khoảng 4 km2. Tại đây, năm đầu tiên xây dựng 24 hầm khai thác, mỗi năm hoạt động tiếp theo sẽ xây dựng thêm 7 - 8 hầm. Khu vực nhà máy chế biến dự kiến xây dựng tại phía Đông mỏ Nonglom, có diện tích khoảng 175.000 m2, để sản xuất 2 sản phẩm chính là Kali Clorua (KCl) và sản phẩm phụ là Natri Clorua (NaCl).

Với công suất dự kiến 320.000 tấn/năm và đến năm 2020 dự kiến đạt 1 triệu tấn/năm, Việt Nam và Lào sẽ giảm đáng kể lượng phân bón Kali nhập khẩu, tiết kiệm không nhỏ nguồn ngoại tệ cho hai nước. Không chỉ có vậy, Dự án còn góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng thừa muối ăn, thiếu muối công nghiệp và muối chất lượng cao ở nước ta hiện nay, với tình trạng mỗi năm phải nhập khẩu trên 300.000 tấn muối công nghiệp.

Ngoài việc đóng góp vào ngân sách của Lào, Dự án còn giúp phát triển kinh tế địa phương, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của nhân sự Lào. Vinachem cũng cam kết dành trên 5,6 triệu USD cho Quỹ Đào tạo cán bộ Chính phủ; Quỹ Phát triển xã hội địa phương; Quỹ Quản lý dự án và Quỹ Bảo vệ môi trường của Lào.

Cán bộ lỹ thuật của Công ty CP Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công trên khai trưởng huyện NoongHet, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) ngày 28/12/2012
Cán bộ lỹ thuật của Công ty CP Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công trên khai trưởng huyện NoongHet, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) ngày 28/12/2012.
 

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công cũng đang sở hữu Dự án Khảo sát, thăm dò, khai thác thiếc, chì, kẽm và các loại khoáng sản khác tại Lào.

Tháng 8/2012, hợp đồng về Dự án này đã được ký kết giữa Chính phủ Lào với Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công. Theo hợp đồng, Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công sẽ triển khai thực hiện Dự án này trên diện tích là 300 km2 tại 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn. Mục tiêu của Dự án là nhằm thăm dò, tìm kiếm, sau đó tiến tới xây dựng nhà máy chế biến sâu nguồn quặng tại 2 tỉnh nói trên để có các loại sản phẩm phục vụ công cuộc phát triển của nước bạn Lào và xuất khẩu sang một số nước. Ngày 28/12/2012 vừa qua, Dự án đã chính thức đi vào hoạt động.

Trong lĩnh vực ngân hàng, các đại gia Việt cũng không ngừng đầu tư vào Lào. Điều này được chứng minh bằng việc cho ra đời Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt.

Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LVB) được thành lập năm 1999, là liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Lào Đại chúng (BCEL), với vốn điều lệ ban đầu 10 triệu USD, tỉ lệ góp vốn giữa 2 bên là 50% - 50%.

Tháng 2/2012, được sự chấp thuận của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước 2 nước Việt Nam và Lào, BIDV và BCEL đã góp vốn bổ sung để tăng vốn điều lệ cho LVB lên mức 37,5 triệu USD, đồng thời thay đổi cơ cấu sở hữu của 2 ngân hàng mẹ từ 50% - 50% thành 65% - 35%, trong đó BIDV nắm 65% và BCEL nắm 35%. Với cơ cấu này, có thể coi LVB là ngân hàng con của BIDV tại nước ngoài.

Ngày 29/5, tại Bình Định, các bên liên quan cũng thống nhất tăng vốn điều lệ của LVB lên 70 triệu USD, cơ cấu sở hữu vẫn giữ nguyên là 65% - 35% trong đó BIDV góp 45,5 triệu USD. Việc tăng vốn điều lệ của LVB sẽ góp phần tăng năng lực tài chính để tiến tới đáp ứng các chuẩn mực về an toàn vốn theo thông lệ quốc tế, đồng thời giúp LVB nhanh chóng mở rộng mạng lưới, quy mô hoạt động kinh doanh.

Một chi nhánh của Ngân hàng liên doanh Lào - Việt tại Thủ đô Viêng Chăn
Một chi nhánh của Ngân hàng liên doanh Lào - Việt tại Thủ đô Viêng Chăn.
 

Trao đổi với phóng viên về làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Việt sang Lào, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: Việc các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư sang Lào đang ngày càng gia tăng và mang lại hiệu quả. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trong hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế của Lào như nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, viễn thông, thuỷ điện, chế biến gỗ, khai khoáng, thương mại, khách sạn-nhà hàng, ngân hàng... Ví như: Tập đoàn HAGL với các dự án về cao su, mía đường, thủy điện... không chỉ mang lại lợi nhuận cho chính doanh nghiệp, mà còn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân Lào, đồng thời tăng cường quan hệ hữu nghị Việt - Lào.

Việc đầu tư này cũng cho thấy được tầm nhìn cao xa, tầm nhìn toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nhận thấy rằng, các doanh nghiệp này không ngừng vươn ra nước ngoài để khẳng định vị thế lớn mạnh của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh như hiện nay, việc hoạch định hoạt động doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Nhưng các doanh nghiệp cần tính toán thật kỹ lưỡng và rõ ràng chiến lược đầu tư ra nước nào, để lên phương án về vốn và nhân lực, đưa dự án đi đến thành công.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Lào làm ăn nhưng lại không nắm chắc pháp luật và chính sách của Lào, hoạt động còn mang tính tự phát, rất dễ xảy ra tranh chấp. Hiện tượng này trong thời gian gần đây đã giảm bớt nhưng vẫn còn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

"Điều cần thiết hơn cả là hành lang pháp lý, pháp luật kinh doanh của cả nước ta và nước bạn Lào nói riêng và nước ngoài nói chung cần phải hỗ trợ và đáp ứng được nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Nhà nước Việt Nam cần có sự hỗ trợ nhiều mặt bao gồm: nghiên cứu và ban hành chính sách ưu đãi cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư sang Lào; nghiên cứu và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn riêng áp dụng cụ thể cho địa bàn Lào; nghiên cứu ban hành quy chế quản lý các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Lào...", tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định.

Theo Kiến Thức

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.