Điệp khúc 'trồng - chặt' điều và ca cao

Điệp khúc 'trồng - chặt' điều và ca cao
TP - Từng được tuyên truyền là cây mũi nhọn thoát nghèo nhưng nhiều năm nay tại 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, cây ca cao và cây điều lần lượt rơi vào thảm cảnh “trồng để… chặt”!

> Việt Nam có tiếp tục giữ vị trí số 1 về xuất khẩu điều?
> Ca cao sẽ lên ngôi?

Chặt điều làm củi
Chặt điều làm củi.

Theo quyết định 2678/2007 của Bộ NN&PTNT, dự kiến đến năm 2015, diện tích cây ca cao trên cả nước đạt 60.000ha. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai kế hoạch động viên nông dân trồng loại cây nhiều hứa hẹn này, diện tích ca cao ngày càng có xu hướng thụt lùi nghiêm trọng. Tại Đăk Lăk, quy hoạch đến năm 2010, diện tích ca cao đạt 6.000ha, nhưng đến nay chỉ đạt xấp xỉ 1/3.

Trước khi đến với cây ca cao, anh Y Think Byã (buôn trưởng buôn Ea Sar, xã Ea Sar, huyện Ea Kar tỉnh Đăk Lăk) trồng đậu, rồi chuyển sang trồng cây cà phê, nhưng cũng không ăn thua.

“Mình nghe nói trồng cây ca cao nhanh thoát nghèo nên nhận 300 cây từ dự án về, chặt bỏ cà phê để lấy đất trồng ca cao. Trồng được 2 năm thì cây ca cao bị chết nhiều quá, việc chăm sóc khó khăn, nên mình quyết định phá bỏ ca cao chuyển sang trồng mía 1ha, nhờ vậy mới thu được 70 triệu đồng/vụ”, anh Y Think nói.

Anh Niê Hoàng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Lắk, cho biết: Ở Lắk, số hộ trồng cây ca cao thành công và thất bại là 50-50. Cách đây vài năm, diện tích ca cao của huyện Lắk lên đến 1.200ha, nay chỉ còn 502ha.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường, trên cùng một diện tích, việc trồng cây cà phê đem lại lợi nhuận gấp đôi so với ca cao. Mặt khác, một số cây ngắn ngày như mì, ngô… đem lại thu nhập khá hơn cây ca cao mà không cầu kỳ về kỹ thuật trồng. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở một số xã của tỉnh Đăk Nông, trong đó có xã Ea Pô, huyện Cư Jút.

Ông Nguyễn Xuân Diệp, Phó Trưởng ban quản lý dự án Phát triển ca cao bền vững các nông hộ Đăk Lăk, cho biết: Tỉnh đã ra nghị quyết hỗ trợ vốn cho người dân trồng ca cao, nhưng đến nay vẫn còn trên giấy vì chưa có vốn.

Cây điều “tụt dốc không phanh”

Theo báo cáo mới đây của Sở NN&PTNT Đăk Lăk, diện tích cây điều liên tục giảm mấy năm qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm. Năm 2008, diện tích cây điều đang ở đỉnh cao trên 41.000ha, nhưng nay chỉ còn khoảng 28.000ha.

Ngược lại, cây cao su từ 24.000ha tăng lên gần 38.000ha. Tại huyện Ea Súp, vùng đất vàng của cây điều, diện tích giảm từ 13.000ha nay còn hơn 4.000ha. Theo quan sát, nhiều diện tích điều tại Ea Súp bị bỏ hoang, nhiều vườn rẫy điều lẫn với cây tạp, chết trụi hoặc vàng lá.

Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT Đăk Lăk xác nhận: Nguyên nhân khiến diện tích ca cao và cây điều giảm mạnh mấy năm qua là năng suất và giá cả không ổn định, hiệu quả cạnh tranh kém so với các loại cây chủ lực khác như cà phê, cao su.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG