Điều chỉnh tỷ giá, tất toán vàng: Tiền chảy vào đâu?

Điều chỉnh tỉ giá 1% giúp nhiều DN xuất khẩu thủy sản tăng lợi nhuận Ảnh: Ngọc châu
Điều chỉnh tỉ giá 1% giúp nhiều DN xuất khẩu thủy sản tăng lợi nhuận Ảnh: Ngọc châu
TP - Nhiều chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN là cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu đồng thời giảm bớt áp lực cho thị trường. Đối với nhà đầu tư chứng khoán câu hỏi rất được quan tâm lúc này là sau điều chỉnh tỷ giá dòng tiền sẽ về đâu?

Cao su, thủy sản hưởng lợi

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 28/06/2013 từ mức 20.828 VND/USD lên 21.036 VND/USD, tương đương với mức điều chỉnh 1%. Như vậy đây là lần đầu tiên NHNN quyết định điều chỉnh tỷ giá kể từ cuối năm 2011.

Trong thực tế, việc điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian qua được cho là yếu tố tích cực đối với nền kinh tế vì luôn giữ được mức ổn định. Hơn nữa tăng tỷ giá là động lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu và giúp phục hồi sức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay sau quyết định của NHNN, CTCK Maybank KimEng đã có nhận định việc tăng tỷ giá trước tiên có lợi cho các nhóm ngành xuất khẩu có nguồn thu đô-la lớn như cao su tự nhiên (Cao su Phước Hòa -PHR và Cao su Đồng Phú – DPR), thủy sản và xuất khẩu phần mềm.

Theo Maybank KimEng, hầu hết các công ty thủy sản Việt Nam đều xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới là EU, Mỹ, Nhật … Và phần lớn các hợp đồng xuất khẩu đều dưới đồng tiền USD.

Đổi lại, các công ty thủy sản thường vay bằng đồng USD để tài trợ vốn lưu động do đồng USD có lãi suất thấp hơn đồng VND. Tuy nhiên, lượng tiền vay đều thấp hơn so với doanh thu mang lại.

Do vậy, sự điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND lần này đã mang lại một phần lãi từ chênh lệch tỷ giá, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp. Theo tính toán của KimEng, với tỷ giá USD/VND tăng 1% vừa qua, đã giúp lợi nhuận năm 2013 của Thủy sản Vĩnh Hoàn -VHC và Thủy sản Hùng Vương -HVG lần tăng lượt là 8,6% và 5%.

Ngoài ra, CK Maybay KimEng cũng nhận định việc tăng tỷ giá sẽ có tác động đến một số ngành có tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu lớn như sắt thép (Tập đoàn Hoa Sen-HSG và Thép Pomina-POM) và các công ty săm lốp có khoảng trên 60% nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đều phải được nhập khẩu. Tuy nhiên, đơn vị này kết luận rằng ảnh hưởng của việc tỷ giá USD/VND tăng 1% đến các doanh nghiệp là không lớn.

Tương tự, CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cũng cho rằng về lý thuyết tỷ giá biến động sẽ làm tăng rủi ro lạm phát nhưng do mức độ điều chỉnh không lớn nên có lẽ tác động sẽ không nhiều. Do vậy, cho dù có sự điều chỉnh tỷ giá tham chiếu vừa qua, HSC vẫn giữ dự báo lạm phát năm nay là 8%.

Tiền có vào chứng khoán?

Những phiên giao dịch đầu tháng 7/2013, thị trường chứng khoán vẫn không mấy phản ứng trước thông tin tỷ giá bình quân liên ngân hàng và giảm trần lãi suất huy động.

Sự ảm đạm của thị trường có thể là do từ đầu tháng 6 đến nay khối ngoại đã bán ròng khá mạnh. Cụ thể, thống kê trên sàn HSX tổng giá trị bán ròng của khối ngoại đã bán ròng gần 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng gần 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ.

Một số chuyên gia cho rằng việc khối ngoại rút vốn là nằm trong xu thế chung toàn cầu trong hơn 1 tháng qua. Như vậy, dòng tiền quan trọng từ khối ngoại giúp thị trường khởi sắc từ đầu năm đến nay đã không còn.

 “Có phiên thị trường tăng 10 điểm nhưng thanh khoản vẫn khó khăn. Dòng tiền là vấn đề nan giải nhất hiện nay trên thị trường. Ngay cả dòng tiền đầu cơ cũng tỏ ra khá rụt rè. Tâm lý thận trọng đeo bám các nhà đầu tư trong việc giải ngân.”  

Phó tổng giám đốc một CTCK

Hiện nay, không ít người kỳ vọng sau khi ngân hàng đã hoàn tất việc tất toán trạng thái vàng, đồng nghĩa với một lượng lớn tiền gửi bằng vàng sẽ được trả lại cho người gửi tiền. Như vậy, nhiều khả năng giá vàng sẽ giảm và kênh đầu tư vàng bớt đi sức nóng. Bên cạnh đó, họ cũng kỳ vọng với xu hướng giảm của lãi suất trong thời gian tới thì việc gửi lãi suất sẽ trở nên kém hấp dẫn.

Trong khi đó việc mua ngoại tệ dự trữ cũng không phải tối ưu do tỷ giá được dự báo ít biến động và việc mua ngoại tệ cũng không dễ dàng. Đối với bất động sản hầu hết các chuyên gia đều cho rằng khó khăn sẽ còn kéo dài.

Như vậy, dường như những yếu tố đó đang ủng hộ cho khả năng dòng tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư trong nước sẽ đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu đổ vào thị trường trong những phiên gần đây. Có lẽ tính rủi ro của thị trường vẫn còn rất lớn và kênh đầu tư chứng khoán vẫn chưa thật sự hấp dẫn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG