> Ngân hàng, lãi suất và doanh nghiệp
> Đại hội Doanh nhân trẻ Tập đoàn Cao su
Khó hiểu
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đoàn Duy Khương cho biết, VCCI đang nghiên cứu đề xuất thành lập ngân hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để hỗ trợ vốn cho nhóm đối tượng doanh nghiệp này.
Theo ông Khương, hiện mọi việc đang trong giai đoạn đề xuất xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Để triển khai từ ý tưởng đến thực hiện là cả quá trình, nếu không chuẩn bị, tính toán kỹ sẽ thất bại ngay. Việc xin lập ngân hàng có yếu tố cả nước hiện có khoảng 500.000 DNNVV, với số vốn đăng ký lên gần 2,3 triệu tỷ đồng (tương đương 121 tỷ USD). Nhưng hiện chỉ có khoảng 30% DNNVV tiếp cận được vốn của các ngân hàng thương mại.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Trịnh Quang Anh (công tác tại Tập đoàn Đầu tư Phát triển) lưu ý, cần xem xét kỹ việc xin thành lập ngân hàng mới vào thời điểm này. Nếu chỉ nhằm phục vụ riêng khối DNNVV thì hiện tại ngân hàng nào cũng có chính sách chăm sóc nhóm doanh nghiệp này rồi. Hơn nữa, bản thân Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi được thành lập chính là để nhằm phục vụ khối doanh nghiệp này.
Theo ông Quang Anh, ngân hàng là một tổ chức hoạt động đa năng, phải hoạt động trong nhiều mảng, mảng này kéo mảng kia thì mới có lợi nhuận chứ không thể trông chờ vào nguồn thu từ việc phục vụ riêng một phân khúc khách hàng. “Trong bối cảnh đang tái cấu trúc ngành ngân hàng, việc xin lập ngân hàng là không hợp thời. Đó là chưa kể mô hình hoạt động của ngân hàng này cũng rất mơ hồ nếu chỉ nhắm riêng khối DNNVV”, ông phân tích.
Một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng cũng cho rằng, việc xin lập ngân hàng cho DNNVV có thể là nhằm tranh thủ việc Chính phủ đang dồn sức hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc lập Quỹ hỗ trợ tín dụng 2.000 tỷ đồng cho DNNVV. Nếu có được giấy phép thành lập ngân hàng, vị thế của đơn vị nắm giữ sẽ được nâng lên.
“Hiện “sân chơi” được đánh giá là “màu mỡ” của ngành ngân hàng là cho các tập đoàn, tổng Cty, doanh nghiệp nhà nước vay lại đang nằm trong tay những “đại gia” ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. Mảng thị phần kém và kén khách hơn là cho vay các DNNVV thì đang phân năm, xẻ bảy cho hàng chục ngân hàng. Lập ngân hàng riêng cho khối doanh nghiệp này là ý tưởng khá lạ, cần cân nhắc”, vị này phân tích.
Dễ sinh tiêu cực
Trao đổi với PV Tiền Phong, thành viên HĐQT của một ngân hàng có trụ sở ở phía Nam cho rằng, hiện Việt Nam đang có dự án cho vay lại tài trợ các DNNVV (Dự án SMEFP) theo thỏa thuận vay giữa Chính phủ Việt Nam và Văn phòng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án nhằm cung cấp tín dụng cho các khoản đầu tư trung và dài hạn để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị thuộc các ngành nghề như sản xuất, khai khoáng, nông-lâm-ngư nghiệp, xây dựng, cơ khí,...
Dự án không đòi hỏi phải thành lập ngân hàng riêng và phần vốn do NHNN quản lý, thực hiện đấu thầu cho các ngân hàng vay lại. “Giờ giả sử giao nguồn vốn này cho ngân hàng mới thành lập quản lý và cho vay lại thì sẽ nảy sinh rất nhiều chuyện. Phàm những gì được đặc quyền, đặc lợi thì dễ nảy sinh vấn đề tiêu cực”, vị này nói.
Theo đánh giá của TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc có ngân hàng chuyên cung cấp vốn cho khối DNNVV là việc rất tốt. Tuy nhiên, khả năng để ngân hàng này ra đời là khó do chúng ta không thiếu hệ thống ngân hàng. Phải hiểu rõ, DNNVV không tiếp cận được vốn do bản thân DN yếu, thiếu vốn và không đáp ứng được các tiêu chí của ngân hàng.
Theo ông Kiêm, ngân hàng lập ra để có hiệu quả phải được hưởng ưu đãi như các ngân hàng chính sách trong khi chúng ta đã có hai, ba đơn vị làm việc này rồi. Giờ thành lập mới, vốn không có, trình độ quản trị, công nghệ yếu, chi phí ban đầu lớn sẽ khiến ngân hàng rất khó hoạt động.
“Đây không phải thời điểm thuận lợi để lập ngân hàng, Nếu ngân hàng này đi theo hướng kinh doanh thương mại chắc chắn sẽ thất bại còn nếu lập ra để làm chính sách thì cũng không ổn do có nhiều rủi ro không tránh khỏi”, ông Kiêm phân tích.
Lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Liên quan đến vấn đề tín dụng cho DNNVV, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng cường năng lực cho DNNVV, quản trị doanh nghiệp… Quỹ cũng giúp các doanh nghiệp tiếp cận tài chính, được vay không quá 70% giá trị dự án, thời hạn vay không quá 10 năm, lãi suất bằng 90% lãi suất cho vay bình quân của 5 ngân hàng thương mại Nhà nước tại Hà Nội. |