Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'

Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'
TP - Trước ngày 30/6, Bộ Công Thương phải trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Hiện, dự thảo lần 4 đã được công bố, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, với kiểu điều hành hiện nay, dù có sửa đổi Nghị định 84, giá xăng dầu cũng khó minh bạch. Bởi đó là cuộc chơi của các “ông lớn’.

> Xăng dầu bất ngờ tăng giá
> Xăng tăng giá, dân bức xúc

Không cân sức

Bộ Công Thương vừa công bố Dự thảo lần thứ 4 sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Dự thảo chốt phương án thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày với trường hợp tăng giá.

Cụ thể, khi các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp (DN) đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng.

Nếu các yếu tố cấu thành giá cơ sở giảm trên 6% so với giá bán lẻ, sau khi áp dụng các giải pháp thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn; DN đầu mối được tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng cách giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.

Với điều chỉnh tăng, trường hợp giá cơ sở (được tính bình quân 30 ngày) tăng trong phạm vi 5% so với giá bán lẻ hiện hành, DN đầu mối được quyền chủ động tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 5-8% so với giá bán lẻ, đầu mối gửi văn bản đăng ký đến liên Bộ Tài chính - Công Thương trước thời gian điều chỉnh 2 ngày làm việc; nếu quá hạn không có trả lời sẽ được tự động tăng giá.

Trường hợp giá cơ sở tăng trên 8% hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

Tuy nhiên, DN đầu mối sẽ báo cáo lên liên bộ, nếu quá 5 ngày làm việc không được phản hồi cũng sẽ được quyền chủ động điều chỉnh tăng giá bán lẻ (tương đương giá cơ sở).

Bình luận về phương án giá nói trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, dù có quy định chi tiết, giá xăng dầu cũng rất khó minh bạch vì hiện chưa có thị trường cạnh tranh.

Theo bà Lan, hơn 50% thị phần thuộc về một DN đầu mối là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), phần còn lại chủ yếu thuộc về 3 DN đầu mối khác và số đông DN còn lại chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Do đó, nếu Bộ Công Thương có tiếp tục cấp phép thêm cho các DN khác tham gia, thị trường xăng dầu Việt Nam cũng rất khó thay đổi. Rõ ràng cuộc chiến không cân sức giữa DN mới và DN cũ.

Đại diện một DN kinh doanh xăng dầu đầu mối phía Bắc cho biết, bản thân ông không lo có thêm đối thủ cạnh tranh. Vì thị phần xăng dầu hiện nay cơ bản đã bị các ông lớn choán hết.

Liên bộ bỏ rơi người tiêu dùng?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, xăng dầu không thể có giá thị trường khi chưa có cạnh tranh thực sự. Bà Lan cho rằng, nói phương án giá do liên Bộ Tài chính - Công Thương ban hành, nhưng thực chất là các DN tự quyết định. DN to nhất hoặc vài DN to nhất quyết định cuộc chơi và tất cả các DN còn lại phải đi theo.

 “Lãnh đạo Bộ Tài chính từng hứa là sẽ đảm bảo thực hiện minh bạch giá xăng dầu. Nhưng sau bao nhiêu tiếng kêu, bao nhiêu sức ép từ xã hội, bao nhiêu phàn nàn từ các chuyên gia, đến nay giá xăng dầu vẫn chưa minh bạch”.  

Chuyên gia kinh tế
Phạm Chi Lan

Thực tế Việt Nam chưa có thị trường xăng dầu cạnh tranh nên không thể nói là sẽ có giá cạnh tranh. Trong trường hợp này, sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước là rất cần thiết. “Trong thời gian qua, liên Bộ Tài chính - Công Thương lại chưa làm đúng chức trách của mình. Thành ra họ không bảo vệ được lợi ích cho người tiêu dùng mà vẫn phụ thuộc vào một vài DN”, bà Lan nói.

Một vài chuyên gia kinh tế khi nhìn nhận vấn đề này cũng thống nhất: Cách điều hành hiện nay vô hình trung, liên Bộ Tài chính- Công Thương tạo điều kiện để các DN hành xử theo cách “coi trọng lợi ích DN hơn lợi ích của nền kinh tế”.

Lẽ ra, vai trò của nhà nước trước hết phải giám sát hoạt động của các DN, đặc biệt giám sát về khung giá. Cơ quan quản lý phải giám sát xem giá cả hình thành trên cơ sở nào, giá DN đưa ra liệu đã hợp lý chưa.

Phải nắm rõ khi giá xăng dầu thế giới tăng, tác động đến giá trong nước thế nào để có quyết định tăng giá hợp lý. Nhưng bây giờ, do chưa nắm được khung giá, nghe theo DN nên giá thế giới tăng mấy phần trăm là cho phép tăng theo. Trong khi thực tế chưa hẳn đã đúng như thế.

Theo bà Phạm Chi Lan, trên thế giới, khi giá tăng, thường phản ứng đầu tiên của DN là tìm cách tiết kiệm để giảm giá thành xuống. Bởi vì họ biết rằng, nếu tăng giá sẽ làm mất khách hàng. “Ở Việt Nam, giá thế giới tăng bao nhiêu, DN trong nước được tăng bấy nhiêu, thậm chí còn tăng nhanh hơn. Nhưng khi giá thế giới giảm, DN lại không chịu giảm theo”, bà Lan nói.

Về Quỹ bình ổn xăng dầu, theo bà Lan, ý tưởng ban đầu khi thành lập là tốt, nhưng cuối cùng, quỹ do người tiêu dùng bỏ tiền ra nhưng lại không được bảo vệ.

Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế (xin giấu tên) cho biết, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu do người tiêu dùng bỏ tiền ra. Có điều lạ là liên Bộ Tài chính-Công Thương thường giấu biệt không cho người tiêu dùng biết cách thức sử dụng thế nào.

“Liên bộ Tài chính-Công Thương theo DN nên làm cho xã hội cảm thấy cơ quan quản lý có điều hành chỉ bảo vệ DN xăng dầu, chứ không phải người tiêu dùng”, vị chuyên gia nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG