> Doanh nghiệp thép chết lâm sàng
> Nhiều DN thép ngừng hoạt động
Sức ép cạnh tranh lớn
Theo Bộ Xây dựng, lượng thép sản xuất của toàn ngành trong tháng qua đạt khoảng 270.000 tấn, tăng 13.000 tấn so với tháng trước đó nhưng giảm 80.000 tấn (20%) so với cùng kỳ. Riêng lượng thép tồn kho tính đến nay còn khoảng 330.000 - 350.000 tấn, tăng 50.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thép nhập khẩu tính đến nay đạt 800.000 tấn, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy đã giảm nhưng lượng thép nhập khẩu vẫn còn khá cao so với sản lượng thép và tiêu thụ trong nước.
Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành thép cho biết, một lượng thép hợp kim lớn của Trung Quốc nhập vào Việt Nam đã được “hóa trang” thành thép xây dựng để hưởng thuế suất 0%, sau đó bán với giá thấp hơn giá thép xây dựng trong nước đã gây sức ép lớn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Chưa kể, các doanh nghiệp Trung Quốc luôn có một lượng thép dư thừa rất lớn luôn sẵn sàng tràn vào Việt Nam với giá rẻ và chỉ yêu cầu bên mua ký quỹ 10% - 30% là cho nhập khẩu trả chậm.
Trong khi đó, tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp thép vẫn chưa tiếp cận được nguồn lãi suất thấp cũng như chưa có tác động cải thiện nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa với sản phẩm thép.
“Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, gần như không có dự án triển khai mới, kể cả từ khi có thông tin về gói cho vay ưu đãi với các dự án nhà ở xã hội. Do vậy, dẫu các doanh nghiệp ngành thép áp dụng nhiều biện pháp để kích cầu vẫn không thể bán được hàng”, ông Hồ Văn Bảo, Giám đốc DNTN Bảo Hoàng, chuyên kinh doanh thép trên quốc lộ 22, quận 12 TPHCM, cho biết.
Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp thép đã tung ra chiến lược giảm giá bán để cạnh tranh. Chỉ riêng trong tháng 5, hàng loạt doanh nghiệp phải giảm giá bán tới 3 lần, xuống thấp hơn giá vốn nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Ngành thép còn đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức do một số nước châu Mỹ, châu Âu đang áp dụng thuế chống phá giá với thép xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều nước còn ban hành thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian nhằm hạn chế nhập khẩu với mục tiêu bảo hộ các doanh nghiệp nội địa.
Phòng vệ cho sản phẩm
Đánh giá mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, khó khăn và yếu kém nhất của ngành thép hiện nay là do nguồn vốn hạn chế, phụ thuộc chủ yếu đi vay, nguồn nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu phôi, cộng với công nghệ lạc hậu... dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, từ đó tạo nên sức cạnh tranh yếu.
Theo số liệu thống kê, hiện có gần 30% doanh nghiệp ngành thép sử dụng công nghệ lạc hậu, hơn 40% sử dụng công nghệ ở mức trung bình. Chỉ khoảng 30% sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại.
Do vậy, để tồn tại, các doanh nghiệp cần có phương án loại dần những công nghệ lạc hậu bởi giá năng lượng ngày càng tăng cao, từng bước nâng cao công nghệ sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh. Đây là những giải pháp thiết thực trong hiện tại cũng như về lâu dài.
Bên cạnh đó, ngành thép cần tăng năng lực đầu tư sản xuất phôi thép để tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Về tài chính, các doanh nghiệp ngành thép cho biết, mặc dù lãi suất đầu vào có mức trần đang dần hạ xuống nhưng việc tiếp cận vốn khó khăn đã khiến cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đình trệ, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép.
Khảo sát mới nhất cho thấy, chỉ 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn tín dụng chính thống. Để giải quyết bài toán tài chính cho ngành thép, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Pomina, cho rằng lãi suất trung hạn của các ngân hàng cần phải tiếp tục giảm xuống thì mới có tác động rõ rệt đến tăng trưởng của ngành thép.
Bởi thực trạng thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp thép trong nước làm ăn thua lỗ, trong khi doanh nghiệp nước ngoài vẫn “sống khỏe” do nguồn tài chính dồi dào, đặc biệt họ luôn được chính phủ của mình hỗ trợ nguồn vốn vay lãi suất thấp.
Theo Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường, ngoài các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ ngành như giảm lãi suất, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh... các doanh nghiệp thép phải giảm chi phí một cách tối đa, không sản xuất tràn lan để tồn kho nhiều và phải cân đối cung cầu hợp lý.
Mặt khác, doanh nghiệp tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, lập kế hoạch linh hoạt từng tháng, quý phù hợp với thị trường; tập trung quản lý đầu ra sản phẩm thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối.
Chú trọng xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà phân phối như hỗ trợ đại lý tăng cường quảng bá thương hiệu, tổ chức các hội nghị khách hàng khu vực, chính sách giá cả thị trường linh hoạt và được kiểm soát minh bạch. Doanh nghiệp cũng cần cập nhật thông tin kịp thời, có sự chuẩn bị và phòng vệ cho sản phẩm của mình.
Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, sản lượng thép các loại của tổng công ty trong tiêu thụ đầu năm đến nay đạt khoảng 500.000 tấn, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng ước đạt khoảng 466.000 tấn, giảm 14,7% so với năm 2012. Theo VSA, nguyên nhân khiến thị trường thép trì trệ, ngoài việc thị trường bất động sản đóng băng, sức ép của thị trường do thép Trung Quốc giá rẻ vẫn nhập vào Việt Nam quá nhiều. |
Theo Lạc Phong
Sài Gòn Giải Phóng