Nhọc nhằn đòi thương hiệu Việt tại Trung Quốc

Nhọc nhằn đòi thương hiệu Việt tại Trung Quốc
TP - “Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp thương hiệu Đức Thành tại Trung Quốc sẽ diễn ra cuối tháng Tư này, và hy vọng sẽ kết thúc một chặng đường hơn gần 5 năm ròng rã đòi thương hiệu của Vinamit...”.

> Nắm rõ luật khi làm ăn tại Trung Quốc

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty Vinamit, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ riêng với Tiền Phong thông tin mới nhất liên quan đến vụ tranh chấp.

Ông Nguyễn Lâm Viên
Ông Nguyễn Lâm Viên .

Ông Viên kể về hành trình nhọc nhằn đòi lại thương hiệu từ tay kẻ một thời từng được xem là đối tác: “Từ năm 1997, tôi đã bắt đầu đưa sản phẩm mít sấy khô với thương hiệu Đức Thành sang Trung Quốc.

Lúc đó, tất cả đều phải đi bằng con đường biên mậu qua các cửa khẩu Lào Cai, Móng Cái... Trước khi xuất sản phẩm sang Trung Quốc, tôi đã phòng xa bằng việc đi đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu Đức Thành tại Trung Quốc. Tưởng thế là xong, nào ngờ...

Đối tác làm ăn với Vinamit tại Trung Quốc lúc đó lại có chủ tâm cướp thương hiệu của tôi và họ lẳng lặng đi đăng ký độc quyền thương hiệu Đức Thành bằng tiếng Hoa.

Đến năm 2007, khi họ được cấp bằng chứng nhận độc quyền thương hiệu Đức Thành thì tôi mới ớ ra mình vẫn còn những sơ hở chết người, đó là mới chỉ đăng ký độc quyền thương hiệu Đức Thành bằng tên tiếng Việt nhưng chưa đăng ký độc quyền bằng tiếng Hoa. Trong khi đó, luật pháp nước này yêu cầu phải đăng ký tên bản địa đi kèm với thương hiệu gốc mới được bảo hộ đầy đủ.

Thế là, từ vị trí người chủ thương hiệu, tôi trở thành người ăn cắp hoặc kẻ làm giả thương hiệu. Nghĩ mà đau. Tôi suy nghĩ rất nhiều và đi đến quyết định phải giành lại thương hiệu bằng mọi giá. Nếu không, sản phẩm Vinamit không những phải đối đầu với nguy cơ bị đánh bật khỏi thị trường nước này, thậm chí, tôi còn có nguy cơ bị bắt bất cứ lúc nào vì theo luật pháp Trung Quốc, tội làm giả thương hiệu có thể sẽ bị ngồi tù 5 năm.

Sản phẩm Vinamit trong hệ thống siêu thị tại siêu thị Wall Mart, tỉnh Nam Ninh Trung Quốc ảnh do Vinamit cung cấp
Sản phẩm Vinamit trong hệ thống siêu thị tại siêu thị Wall Mart, tỉnh Nam Ninh Trung Quốc ảnh do Vinamit cung cấp .

Lúc đầu tôi thuê luật sư tại Việt Nam nhưng suốt 2 năm trời không giải quyết được vì điều kiện xa xôi cách trở. Sau đó tôi phải sang tận Trung Quốc tìm thuê luật sư theo đuổi vụ kiện. Chúng tôi nộp hồ sơ khiếu kiện đến Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc.

Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng Cục này cũng đưa ra phán quyết: Thương hiệu Đức Thành là của Vinamit và yêu cầu người được cấp quyền sở hữu thương hiệu trước đó là ông Xie Hong Yi- một đối tác phân phối cũ của Vinamit tại Trung Quốc - phải trả lại thương hiệu Đức Thành cho Vinamit.

Động lực để nhiều thương hiệu Việt đòi lại công bằng

Tuy nhiên, phán quyết đó không những không được Xie Hong Yi thực thi mà người này còn kiện ngược Vinamit ra tòa thương mại Bắc Kinh (Trung Quốc). Vào một ngày cuối cùng của năm 2012, toà án thương mại Bắc Kinh đã công bố chính thức thừa nhận Vinamit là chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu Đức Thành (vốn là thương hiệu của Vinamit từ ngày đầu thành lập cách đó 20 năm).

Ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ chiêu thức khi làm ăn với đối tác Trung Quốc: Trước khi bán sản phẩm cho họ, doanh nghiệp Việt Nam cần đăng ký thương hiệu tại nước sở tại. Nếu đối tác Trung Quốc đặt vấn đề trước, doanh nghiệp Việt có thể tìm cách hoãn binh kéo dài thời gian đàm phán để hoàn tất thủ tục đăng ký thương hiệu tại nước sở tại rồi mới ký hợp đồng. “Đôi khi chúng ta cứ vô tư bán để “xem thử”, khi nào lớn mạnh lên mới đăng ký bảo hộ thương hiệu ở thị trường đó, thì coi chừng chúng ta đã muộn rồi” –ông Viên cảnh báo.

Trong bản phán quyết của toà án nhân dân cấp trung thứ nhất thành phố Bắc Kinh có đoạn: “Ông Xie Hong Yi – một thương nhân Trung Quốc – có lẽ biết được công ty Vinamit đã có thương hiệu nổi tiếng và đã giành đăng ký trước, tạo nên hành vi bất chính là tranh giành đăng ký thương hiệu, điều này đã vi phạm điều thứ 31 trong luật Thương hiệu có quy định “sử dụng thủ đoạn bất chính tranh giành đăng ký các thương hiệu đã có tiếng tăm nhất định của người khác”, theo quy định phải thu hồi lại thương hiệu trên”.

Tưởng việc đến đó là ngã ngũ và khép lại hơn 4 năm đeo đuổi vụ kiện nhọc nhằn, nào ngờ Xie Hong Yi tiếp tục đâm đơn lên tòa “kêu oan” và dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ được mở vào cuối tháng 4/2013. Dù dáng bộ khá mỏi mệt, song ông Nguyễn Lâm Viên luôn rất tự tin. Ông khẳng định: “Chúng tôi có đầy đủ cơ sở để tin rằng mình thắng trong cuộc tranh chấp này”.

Ông Viên còn tiết lộ, không chỉ dừng ở đó, khi chính thức đòi lại được thương hiệu, Vinamit sẽ khởi kiện ngược lại kẻ đã chiếm đoạt thương hiệu của mình vì những thiệt hại mà họ đã gây ra đối với Vinamit.

“Chúng tôi quyết đòi lại sự công bằng và chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về những thiệt hại họ gây ra cho Vinamit thời gian qua”- ông Viên nói. Và theo ông Viên, không chỉ đòi lại sự công bằng cho riêng Vinamit mà còn tạo ra tiền lệ, động lực để đòi lại công bằng cho nhiều thương hiệu Việt Nam hiện đang bị các thương nhân Trung Quốc chiếm đoạt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG