Bạt ngàn gia cầm lậu

Bạt ngàn gia cầm lậu
TP - Trong khi Thủ tướng, các bộ yêu cầu địa phương, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, giám sát, kiểm soát chặt chẽ để chống việc nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc, tránh nguy cơ lây lan virus cúm H7N9 thì ở Cao Bằng, việc mua bán con giống nhập lậu vẫn tấp nập. Thậm chí, đầu nậu Việt và Trung Quốc còn bắt tay nhau tha hồ làm giá.

> Gia cầm tiếp tục thẩm lậu qua biên giới
> Ninh Thuận công bố dịch trên đàn yến

Không thể tin nổi trong những ngày sôi sục kiểm dịch, nhưng gần như các chợ ở Cao Bằng đều bán vịt, gà nhập lậu không nguồn gốc từ Trung Quốc.

Những ngày ở chợ vùng biên

Bạt ngàn gia cầm lậu ảnh 1
 

Trong vai người buôn con giống gia cầm Trung Quốc về Hà Nội, Hải Dương, PV Tiền Phong đã chứng kiến nhiều khu chợ tràn ngập gia cầm lậu. Từ thành phố Cao Bằng, theo Quốc lộ 3, đổ qua đèo Mã Phục, đi chừng 40 km đến chợ thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Uyên (chợ bán con giống lớn nhất ở Cao Bằng).

Vào ngày chợ phiên (họp vào những ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 âm lịch hàng tháng), chợ tấp nập người tứ xứ, từ các huyện Phục Hòa, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, thành phố Cao Bằng... đổ về. Khu vực bán gia súc, gia cầm nằm phía sau; tiếng vịt, gà con kêu râm ran khu chợ.

Ở khu bán con giống, lượng vịt, gà lên đến hàng vạn con. Giấy cac-ton dùng để đóng thùng cho khách mua con giống chất ngổn ngang. Mùi hôi, bụi đặc trưng của khu chợ con giống thốc lên.

Tại khu hàng của một chủ buôn tên Thèn, chúng tôi hỏi: “vịt Tàu hay ta đây”? Bà này nói luôn: “Tàu cả, lấy đâu ra ta”. Khi hỏi muốn mua về xuôi, liệu có giấy kiểm dịch không, bà này nhìn chúng tôi dò xét, rồi nói: “Hàng này lấy đâu ra giấy”!

Theo tìm hiểu, giá con giống ở chợ này, phụ thuộc vào “cửa” ở đường biên. Bình thường, các chủ hàng đều hét giá cao, vịt con (vịt 3 khoang, 4 chấm) khoảng 1 tuần đến 10 ngày tuổi bán giá 15.000-17.000 đồng/con, vịt trắng một ngày tuổi bán 12.000 đồng/con.

 Tuyển tiết lộ, quản lý thị trường, công an... làm “luật” không đếm con giống. Xe nhỏ “đong” 600 nghìn, xe to cứ 1,5-2 triệu đồng/xe, cứ thế mà đi. Các “cửa” mà Tuyển hay chở hàng ở Phục Hòa, Trà Lĩnh, Hạ Lang. 

Cạnh hàng bà Thèn, một chủ tên Đào (người ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh) ngoài mấy khoang chứa vịt Trung Quốc, còn bày giống “vịt lạ” nhỏ ngày tuổi hơn, nhốt riêng một góc. Thấy chúng tôi định lấy vài trăm con về thành phố Cao Bằng, Đào chào hàng: “Bọn em chạy hàng này nhiều năm nay, anh lấy bao nhiêu cũng có”.

Chưa kịp hỏi, Đào chỉ vào ô “vịt lạ” nói: “Bọn em chỉ lấy 2 trăm vịt ta dưới xuôi lên bán để lấy giấy kiểm dịch, ai hỏi còn trình. Chứ trên này, dân toàn “mê” giống Tàu, vịt ta khó bán lắm. Đây là số của em, anh muốn lấy bao nhiêu, chỉ cần đặt trước một ngày sẽ có hàng”.

Thấy tôi lo ngại “Dịch cúm H7N9 làm nhiều người chết ở Trung Quốc, vịt này liệu có sao không?” Đào nhanh miệng: “Em chạy con giống cả chục năm nay, có sao đâu anh”. Theo quan sát, cả người bán, người mua đều dùng tay không trực tiếp xách vịt, không có khẩu trang, dù là khẩu trang vải thông thường.

Không chỉ ở chợ Quảng Uyên, qua khảo của PV Tiền Phong, tại các chợ Nậm Nàng (xã Kim Đồng, huyện Thạch An, họp vào các ngày 2, 7, 12 và 17, 22 và 27 âm lịch hàng tháng), chợ Xanh, chợ Ngọc Xuân (trung tâm thành phố Cao Bằng)..., giống gia cầm và gà thịt Trung Quốc cũng bày bán công khai.

Điều lạ là, dù bán gà lậu công khai, lại trong thời điểm “nóng” về cúm A/H7N9, nhưng ở những chợ chúng tôi khảo sát, không thấy bóng của cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an, hay thú y.

“Làm luật” cơ quan chức năng

Giống gia cầm lậu bày bán công khai tại chợ Quảng Uyên, Nậm Hàng
Giống gia cầm lậu bày bán công khai tại chợ Quảng Uyên, Nậm Hàng.

Có mặt tại “điểm nóng”- huyện giáp biên Trà Lĩnh, cánh xe máy chạy hàng lậu vẫn vè vè dọc đường ở trung tâm huyện và các ngả rẽ vào cánh gà cửa khẩu.

Các chủ hàng thường đi qua khu vực Kéo Pít, xã Xuân Nội, những lối mòn ở xã Trí Phương. Một lái xe ôm ở thị trấn Hùng Quốc, cho biết: Nơi đây gần biên giới, nhiều lối mòn, đội hàng lậu chủ yếu là xe máy, tranh thủ lúc chập tối, 9-10 giờ đêm hoặc 1-2 giờ sáng xuất kích.

Ngay ở chợ trung tâm thị trấn Hùng Quốc, cách đường biên 5-7 cây số, dù nằm bên cạnh đội quản lý thị trường số 7 của huyện, khu vực bán con giống Trung Quốc vẫn tấp nập người ra kẻ vào.

Khi phát hiện chúng tôi đang chụp ảnh, một chủ cửa hàng bán giống gia cầm lậu đóng sập cửa, giơ tay che ống kính. Ngay lập tức, 2 người đàn ông lực lưỡng, cởi trần đang bắn thuốc lào ở quán nước bên cạnh trừng mắt, chân xỏ dép đứng phắt dậy.

Gia cầm lậu hoành hành các chợ
Gia cầm lậu hoành hành các chợ.

Theo một phu hàng tên Tuyển (có xe tải hyundai loại 0,5 tấn): “Cứ 5 ngày, bọn em chở 2-3 chuyến, mỗi chuyến 3.000-5.000 con. Cao điểm lên tới 4 chuyến. Chỉ có thể đi vào ban đêm. Mỗi chuyến trót lọt cũng được 5-6 triệu đồng”.

Tuyển tiết lộ, quản lý thị trường, công an... làm “luật” không đếm con. Xe nhỏ “đóng” 600 nghìn đồng, xe to cứ 1,5-2 triệu đồng/xe, cứ thế mà đi. Các “cửa” mà Tuyển hay chở hàng ở Phục Hòa, Trà Lĩnh, Hạ Lang. Các chủ hàng người Việt Nam đều có mối quen ở phía Trung Quốc.

Qua nhiều ngày tìm hiểu các đầu mối, chúng tôi biết được, ở Cao Bằng, số đối tượng đánh hàng giống lậu chuyên nghiệp, làm khuynh đảo thị trường gia cầm giống ở tỉnh này khoảng 20 chủ hàng. Đây là những người đầu mối trực tiếp nhập hàng, vừa là đầu nậu phân phối ở các huyện và về miền xuôi. Nhiều người có thâm niên chạy hàng lậu hàng chục năm nay.

Đầu nậu gốc Cao Bằng bắt tay đầu nậu người Trung Quốc, tuồn gia cầm lậu qua Việt Nam một cách dễ dàng. Những người này thao túng về giá, thậm chí, tạo nên nguồn dịch khó kiểm soát. (Kỳ 2, PV Tiền Phong đột nhập vào kho đầu nậu và giáp mặt với gã chủ hàng người Tàu).

Còn nữa

Ông Đặng Quang Bình, Chi cục trưởng Thú y Cao Bằng thừa nhận tình trạng vận chuyển gia cầm qua biên giới là phổ biến. Đặc biệt là các “điểm nóng” ở huyện Hà Quảng, Phục Hòa, Trà Lĩnh, Trùng Khánh.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.