Vàng VN và thế giới chênh 7 triệu do đâu?

Vàng VN và thế giới chênh 7 triệu do đâu?
Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường 10,1 tấn vàng thông qua 9 phiên đấu thầu, nhưng khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại bị đẩy lên mức kỷ lục: gần 7 triệu đồng/lượng.

> Bán 39.800 lượng vàng đấu thầu
> Giá vàng chiều nay tăng mạnh
> Đừng đổ hết tiền vào vàng

Giới chuyên gia cho rằng, phải sau ngày 30/6, thị trường vàng mới trở lại quỹ đạo bình thường.

Kết thúc phiên đấu thầu vàng lần thứ 9, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành thủ tục mua bán 39.800 lượng vàng trong tổng số 40.000 lượng chào bán cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Sau 9 phiên đấu thầu liên tiếp tính từ cuối tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra tổng cộng 263.400 lượng vàng, tương đương 10,1 tấn vàng.

Có thể nói rằng, một khối lượng vàng “khủng” vừa được Ngân hàng Nhà nước cung ứng ra thị trường, nhưng trên thực tế lại nảy sinh một vấn đề khá phức tạp. Đó là chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi lên mức kỷ lục từ trước tới nay: gần 7 triệu đồng/lượng. Dù biết khoảng cách chênh lệch này là “bất thường”, dù nhiều dự báo cho thấy giá vàng sẽ còn giảm nhưng một bộ phận dân cư vẫn tăng cường mua vào. Họ mua để tích lũy hay để “nhảy sóng” kiếm lời?

Có thể là cả hai. Nhưng yếu tố rủi ro đang tiềm ẩn đối với những đối tượng này, khi mục tiêu trước mắt của Ngân hàng Nhà nước là tăng cung cho thị trường chứ không ưu tiên việc bình ổn giá.

Trao đổi với báo giới, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định bản thân người dân nếu không chạy theo mục đích đầu cơ thì đều không hề hấn ảnh hưởng gì. Còn Ngân hàng Nhà nước, nếu có bán được vàng giá bao nhiêu, những đồng tiền đó chỉ chảy về cho ngân sách quốc gia chứ không hề có vụ lợi nào khác.

Thông tin từ các phiên đấu thầu vàng cho biết, đa số đơn vị đặt mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước là các tổ chức tín dụng. Theo ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, hiện trên thị trường có 2 đối tượng chủ yếu có nhu cầu vàng là người dân và các tổ chức tín dụng. Qua kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2013 còn khoảng 10 ngân hàng chưa tất toán tài khoản kinh doanh vàng.

Đề cập đến các phiên đấu thầu vàng, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Cách làm của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là phép thử, đấu thầu vàng không chỉ là đáp ứng nhu cầu cho các ngân hàng mà còn là học cách chơi để làm sao không gây chấn động cho thị trường. Tôi nghĩ phải sau thời gian tất toán được trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng, thị trường vàng sẽ trở lại quỹ đạo bình thường”.

Quỹ đạo bình thường của thị trường vàng ở đây, theo TS.Võ Trí Thành là khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lùi về ngưỡng từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lượng.

Cũng theo nhận định từ TS.Võ Trí Thành, mục tiêu bình ổn thị trường bằng việc tăng cung chứ không bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước là đúng đắn. Bởi xét về dài hạn, khi các tổ chức tín dụng thực hiện xong việc tất toán tài khoản, cung vượt cầu trên thị trường thì giá vàng trong nước ắt hẳn sẽ phải giảm xuống để bám sát nhịp điệu của giá vàng thế giới.

“Ý đồ của Ngân hàng Nhà nước là rất tham vọng nhưng có điều binh khiển tướng được hay không, về mặt kỹ thuật thì không đơn giản và rủi ro cũng khá cao. Ý đồ ở đây là không gây những hiệu ứng tâm lý căng thẳng không cần thiết trong thị trường vàng trong nước; không làm giảm thiệt hại đến dự trữ ngoại hối; việc mua bán vàng còn gắn với cung tiền, nên “chơi vàng” như thế nào để không ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát của cung tiền nhà nước, qua đó đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành nói.

Do đó, để ý đồ trở thành thực tiễn, theo ông Thành, việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước phải nhanh nhạy, không chỉ là câu chuyện đấu thầu vàng mà còn phải sử dụng các công cụ tiền tệ khác như vấn đề nhập vàng, cung vàng ra thị trường hay vấn đề kéo giá vàng về…

Còn nhớ, trong cuộc trao đổi với báo giới tại lễ ký kết Hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước với Công ty SJC, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định: “Chắc chắn sau ngày 30/6 mức chênh lệch sẽ giảm, không loại trừ khả năng lúc đó Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vào, để đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nếu điều kiện thị trường cho phép. Ngân hàng Nhà nước dự thảo khung pháp lý hai chiều, trong đó, Ngân hàng Nhà nước có thể tham gia thị trường theo hai vai cả mua lẫn bán”.

Theo Nguyễn Hiền
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG