> Xăng dầu lại giảm giá 'nhỏ giọt'
> Lý giải giá xăng chỉ giảm 500 đồng/lít
Nhân viên thay biển giá xăng. Ảnh: Ngọc Châu. |
Với lý do giá xăng dầu thế giới từ ngày 9/4 đến nay liên tục giảm nên ngày 18/4, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã ra quyết định yêu cầu các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối phải giảm giá bán lẻ.
Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước phải điều chỉnh giảm giá bán lẻ tối thiểu từ 87 đến 408 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng, dầu diezen, dầu hỏa. Riêng mặt hàng dầu madút, do mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở không lớn nên yêu cầu giữ nguyên giá hiện hành.
Theo tôi, nguyên nhân cơ bản của lạm phát tại nước ta chắc chắn không phải do giá xăng dầu. Do đó, đã đến lúc Việt Nam nên điều hành giá xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường TS Nguyễn Đức Thành |
Chiều cùng ngày, trả lời Tiền Phong, ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, vì có sự điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu thêm 2% nên Petrolimex quyết định giảm giá xăng 410 đồng/lít; dầu diezen 100 đồng/lít; dầu hỏa 200 đồng/lít.
Theo ông Năm, từ sau ngày 9/4 (thời điểm điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước - PV), giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng giảm. Vì thuế nhập khẩu giảm nên mặt hàng xăng đang có lãi từ 600-700 đồng/lít và dầu hỏa, dầu madut lãi từ 300-400 đồng/lít.
“Kinh doanh xăng dầu có lãi cộng với việc giá thế giới giảm nên giảm giá bán lẻ xăng dầu là tất yếu. Trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương không thay đổi thuế nhập khẩu và mức trích quỹ bình ổn vẫn giữ nguyên, có thể giảm giá xăng dầu cao hơn, từ 300 đến 600 đồng/lít” - ông Năm khẳng định.
Giảm nhỏ giọt vì sao?
Trả lời câu hỏi vì sao xăng dầu tăng cao nhưng lại giảm nhỏ giọt, ông Năm cho biết, thực ra vấn đề tăng nhiều giảm ít không phải bây giờ mới được quan tâm. Ngày 28/3 vừa rồi xăng tăng cao lên 1.430 đồng/lít vì giá thế giới lúc đó tăng cao và quỹ bình ổn trong nước đã chuyển từ trạng thái dương sang âm.
Nếu chúng ta tiếp tục giữ giá, chỉ có hai công cụ: Một là phải giảm thuế nhập khẩu và hai là phải cho các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn. Nhưng tại thời điểm đó, thuế không điều chỉnh và quỹ bình ổn đã âm nên khả năng can thiệp không còn. “Khi hai công cụ can thiệp không còn, đành phải điều hành tăng giá, để làm sao vẫn giữ được thuế như hiện tại và không làm cho quỹ bình ổn âm thêm” - ông Năm giải thích.
Ngày 28/3, giá xăng bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng 1.430 đồng/lít. Dù được điều chỉnh giảm giá hai lần là 500 đồng và 410 đồng (vào các ngày 9/4 và 18/4), nhưng nếu cộng lại, tổng giá được giảm vẫn thấp hơn 520 đồng so với tổng mức tăng. |
Theo ông Năm, nếu hôm 9/4 không giảm mà để đến hôm nay, có khi giảm được hơn 1.000 đồng/lít. Vì kéo dài thời gian nên tần suất, chu kỳ điều chỉnh giảm chia thành nhiều đợt nên mức giảm giá ít đi.
Xung quanh câu chuyện tăng giảm giá xăng dầu, TS Nguyễn Minh Phong cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải xác định nhiều hơn nữa trách nhiệm xã hội của mình, để thực hiện cải tổ quản lý sao cho giảm chi phí, giảm thiểu nhân tố ảnh hưởng đến giá xăng dầu. Qua theo dõi, hai lần giảm giá gần đây (9/4 và 18/4), tổng mức giảm chưa bằng mức tăng giá xăng dầu ngày 28/3 vừa rồi.
Theo TS Phong, có hai yếu tố liên quan đến giá xăng cần minh bạch. Thứ nhất, doanh nghiệp mua vào theo giá thế giới là giá nào và giá đó là giá đấu thầu hay chưa? Thứ hai, doanh nghiệp xăng dầu đưa ra chi phí ở mức 600 đồng/lít mới đủ, vậy người dân cần các doanh nghiệp nêu rõ cụ thể từng chi phí và có kiểm toán vào cuộc. “Tôi cho rằng khi nào doanh nghiệp xăng dầu đưa tất cả thông số cụ thể như vậy thì lúc đó mới có thể nói là minh bạch” - ông Phong nói.
Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế khác cho rằng, các con số cụ thể như: Doanh nghiệp nhập giá bao nhiêu, chi phí cơ bản hợp lý chưa, cơ quan độc lập nào vào cuộc và chứng minh sự hợp lý đó…, đến nay chưa ai trả lời.