Ngân hàng, BĐS: Bỏ vốn 10 đồng không thu nổi 1
> PVFC nợ chồng chất, 'bay hơi' nghìn tỷ?
> 6 công ty bầu Kiên nợ ACB hơn 7.400 tỷ đồng
Một thời chạy theo tốc độ, bỏ qua chất lượng đã khiến cho không ít doanh nghiệp Việt Nam trở thành “nạn nhân” của chính mình.
Khác với mọi năm, những doanh nghiệp trong bảng xếp hạng tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2012 (Fast 500 năm 2012) không quá hồ hởi với những kết quả được ghi nhận. Thậm chí, giới chuyên gia kinh tế còn tiếp tục lên tiếng cảnh báo về cách thức tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững của số đông doanh nghiệp Việt Nam.
Phần chìm của bảng xếp hạng
Cũng phải nói ngay, 500 doanh nghiệp có tên trong FAST 500 năm 2012 là đại diện tiêu biểu cho những doanh nghiệp năng động nhất của nền kinh tế. Với mức tăng trưởng trung bình 62% trong giai đoạn 2008-2011, tăng so với 57% của giai đoạn 2007-2010, họ đang được đặt lên vai trọng trách tạo bước ngoặt cho nền kinh tế Việt Nam trong lúc khó khăn này. Thậm chí họ còn được kỳ vọng là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tương lai. Trong số này, tỷ lệ các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng vẫn chiếm số lớn.
Tuy nhiên, số liệu thống kê của FAST 500 năm 2012 đã chỉ rõ, chỉ khoảng 26% sốdoanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng gấp đôi có mức gia tăng lợi nhuận tương ứng trong cùng giai đoạn. “Như vậy, trong quá trình sau khi Việt Nam gia nhập WTO, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng khá mạnh về quy mô, tuy nhiên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa tăng trưởng tương xứng”, ông Phùng Hoàng Cơ, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá, đơn vị thực hiện Báo cáo Fast 500 năm 2012, phân tích.
Nợ tăng và sự biến mất của những cái tên
Trong khi đó, báo cáo mới nhất sắp được công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 đánh giá, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng giảm đi. “Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn của doanh nghiệp ngày càng kém, các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay. Trong giai đoạn 2009 - 2011, chỉ số khả năng trả lãi vay đã giảm 5 lần, xuống còn 3,5 lần; chỉ số nợ của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng kể từ năm 2007 trở lại đây, tăng đến 2,3 lần vào năm 2011”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI phân tích dựa trên các số liệu thống kê từ 6 ngành tiêu biểu là chế biến thủy sản, sản xuất đồ uống, sản xuất cấu kiện kim loại, bán lẻ thực phẩm - đồ uống, quảng cáo và giới thiệu xúc tiến thương mại.
Cũng phải nói thêm, đây là những ngành nhận được sự quan tâm lớn của các nghiên cứu do có tốc độ tăng trưởng khá mạnh, mặc dù không thuộc nhóm ngành “hot” của giới đầu tư. Phân tích số liệu của FAST 500 năm 2012, các doanh nghiệp thuộc các ngành hóa chất, cơ khí, hay thực phẩm - đồ uống đứng đầu về hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) năm 2011, tương ứng là12,25%; 12,36% và 12,44%.
Nếu như nghiên cứu của VCCI xem xét tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng, thì những nhận định có thể còn nhiều gam xám hơn, bởi chỉ tính riêng chỉ số ROA năm 2011 theo ngành nghề của các doanh nghiệp FAST 500, doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng và bất động sản thuộc nhóm đội sổ, với tỷ lệ tương ứng là 3,62% và 5,2%. Có nghĩa là, với mỗi 10 đồng vốn bỏ ra, nhà đầu tư trong hai lĩnh vực này chỉ có thể thu về chưa được nổi 1 đồng lãi.
Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2013, so với cùng kỳ năm 2012, ngành tài chính - ngân hàng và bảo hiểm có số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 134,4 %; con số này đối với ngành kinh doanh bất động sản là 47,6 %. Điều này cho thấy thực tế tốc độ tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp đã không đủ sức giúp họ trước những biến động bất lợi của nền kinh tế, nhất là sự sụt giảm mạnh về nguồn vốn đầu tư và sự đóng băng của thị trường.
Cần nói thêm là, do độ trễ của số liệu thống kê, không ít doanh nghiệp có tên trong FAST 500 năm 2012 hiện đang biến mất khỏi thị trường, chẳng hạn như Công ty chứng khoán SME.
Thực ra cũng không phải đợi đến lúc kinh tế khó khăn, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp sụt giảm, những cảnh báo về sự không thuận chiều trong tăng trưởng quy mô và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam mới xuất hiện.
Nhanh quá hóa...chóng mặt
Trong 3 năm liền công bố danh sách FAST 500, không quá khó để nhận ra bên cạnh nhiều doanh nghiệp FAST 500 thành công trong đường dài, có những doanh nghiệp khác lâm vào tình cảnh khó khăn sau một thời kỳ tăng trưởng nóng. Trường hợp đình đám nhất đã xảy ra trong năm ngoái với Tập đoàn Thái Hòa, doanh nghiệp có thứ hạng cao nhất trong FAST 500 năm 2011. Đây là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam với 12 công ty con, công ty thành viên từ Nam chí Bắc. Thế nhưng, chỉ một năm sau khi được xếp hạng, Thái Hòa đang phải oằn lưng gánh khoản lỗ lũy kế đến hơn 400 tỷ đồng trong năm tài khóa 2012. Vay nợ quá nhiều, đầu tư quá lớn và dàn trải trong bối cảnh thị trường thu hẹp, khiến Thái Hòa nên nông nỗi này.
Nhìn chung, khi phát triển quá nhanh, nhất là vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nóng, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng mở ra đến chóng mặt, doanh nghiệp có ít thời gian để nghiên cứu thị trường, kiểm định các giả thuyết, hiểu và chế áp được đối thủ cạnh tranh cũng như tối ưu hóa nguồn lực.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói, sự bất động của thị trường bất động sản hay cục nợ xấu không biết xấu như thế nào của hệ thống ngân hàng là hệ lụy của những quyết định đầu tư dễ dài, chiến lược ưu tiên tốc độ của doanh nghiệp thời gian qua.
Về mặt lý thuyết, phải thừa nhận, chiến lược “ưu tiên tốc độ” có thể mang lại những lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp phát triển nhanh có thể là người tiên phong trên thị trường, có thể định hình các chuẩn ngành trong thị trường và dựng các rào cản đối với các đối thủ cạnh tranh. Song, những doanh nghiệp phát triển nhanh nếu bỏ qua việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh chi tiết và tập hợp các nguồn lực hợp lý thì rất hiếm khi thành công.
Một nghiên cứu gần đây về hơn 1.000 doanh nghiệp trên toàn cầu của hãng tư vấn kinh doanh nổi tiếng là McKinsey chỉ ra rằng, chỉ 10% các doanh nghiệp có được lợi thế lâu dài từ tốc độ tăng trưởng nhanh. Trường hợp ngược lại, phát triển nhanh không đưa lại lợi ích gì, thậm chí còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bản thân việc phát triển nhanh cũng chứa đựng rủi ro về việc “đốt cháy” nhanh chóng các nguồn lực, cả tài chính và nhân sự, trước khi doanh nghiệp tự ổn định, cũng như các rủi ro khác như chưa nghiên cứu đầy đủ về tính kinh tế của mô hình kinh doanh cũng như thực tiễn thị trường. Như vậy, thách thức quan trọng nhất ở đây là phải biết phát triển nhanh đến mức nào là đủ
Theo Doanh Nhân