Khi doanh nghiệp gục ngã

Khi doanh nghiệp gục ngã
TP - Khó tiếp cận vốn vay, lãi suất cao, sức ép từ hàng hóa ngoại nhập... khiến nhiều doanh nghiệp (DN) teo tóp, giải thể. Thậm chí, có đơn vị liêu xiêu vì thương hiệu Vinashin trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

> Doanh nghiệp 'đo lọ nước mắm...'
> Quý I, hơn 2.270 doanh nghiệp giải thể

Vang bóng một thời

Trụ sở Cty CP Điện máy & Phát triển Công nghệ Đà Nẵng tại 65 Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu) nhiều tháng nay tháo biển, đóng cửa. Công ty trả mặt bằng, tuyên bố giải thể. Tìm gặp ông Trần Quang Hiền, Giám đốc công ty ở nhà riêng trên đường Hoàng Diệu, ông Hiền bảo: Đơn vị vẫn còn đủ sức để “cầm cự”, nhưng... giải thể là hay nhất.

Năm 1994, Cty này được cổ phần hóa, tách ra từ tổng công ty thuộc Bộ Thương mại (nay Bộ Công Thương). Ông Hiền tiếp quản, làm giám đốc, với số vốn đăng ký gần 12 tỷ đồng. Chỉ vài năm, công ty nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường sản xuất lắp ráp hàng điện tử, điện lạnh.

Khi các hãng điện tử lớn SamSung, Sony, Toshiba... chưa đặt chân thị trường Việt Nam, ông Hiền đăng ký nhập linh kiện, lắp ráp “trọn gói” và tiêu thụ trong nước. Năm 1997-1998, công ty tung ra thị trường mặt hàng quạt điện phun sương, hơi nước mang thương hiệu Genstar lần đầu tiên xuất hiện trên cả nước.

“Các đại lý phải xếp hàng dài, tranh nhau chờ từng sản phẩm “ra lò” để đem về tiêu thụ. Thậm chí nhiều tháng liền đơn vị cháy hàng xuất vào thị trường TPHCM”, ông Hiền nhớ lại. Những năm cuối thập niên 1990, quạt máy Genstar bị quạt Trung Quốc tràn về, bán giá cạnh tranh, rẻ hơn vài trăm ngàn đồng/chiếc.

Khắc phục tình thế, năm 2000, ông Hiền phát triển sang các đồ gia dụng, điện máy (bình điện, sạc đèn xi nhan xe máy...). Doanh số tăng nhanh, lúc cao điểm công ty tuyển dụng vài ba trăm nhân viên, tăng ca để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Hiền, mặt hàng nào, công ty chỉ tồn tại vài năm là gặp ngay sự cạnh tranh khốc liệt của hàng ngoại nhập, thậm chí nhập lậu. Từ vài trăm cán bộ công nhân viên, công ty giữ lại dăm bẩy chục người. Cực chẳng đã, đơn vị đành tuyên bố giải thể, thoái vốn cho cổ đông, bán nhà xưởng để đáo hạn ngân hàng.

Hơn 2 năm mở Cty Dệt len Thành Như Ý (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), chị Nguyễn Thị Như Ý- GĐ công ty vừa tuyên bố giải thể vì thiếu nguồn hàng. Theo chị Ý, hơn năm trước, công ty có tới vài chục công nhân, đơn hàng từ TP HCM đổ về nhiều. Nhưng gần nửa năm nay, khó khăn kinh tế khiến các “mối” hàng cắt không hợp đồng gia công, công ty điêu đứng.

Đã gặp khó lại dính vào Vinashin

Có thời, các doanh nghiệp đua nhau gắn thương hiệu Vinashin. Cty CP Đầu tư Đô thị Vịnh Thuận Phước cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, không ngờ việc trên đang là nỗi khiếp đảm với DN này khi hàng trăm tỷ đồng bị “chôn” vô lý nhiều năm liền, công nhân thất nghiệp, ly tán.

Theo đó, Cty Vịnh Thuận Phước đã thanh toán đầy đủ giá trị di dời giải tỏa đền bù Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng thuộc Vinashin với số tiền 272 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng vẫn chưa giao mặt bằng cho phía Vịnh Thuận Phước xây dựng dự án (theo phê duyệt của các cấp có thẩm quyền).

Thư qua, thư lại cuối cùng kéo nhau lên tận Chính phủ. Theo lời kêu cứu của Cty Vịnh Thuận Phước, vì dây dưa với Vinashin mà phải gánh chịu thiệt hại nặng nề 3 năm qua về lãi vay ngân hàng khoảng 500 tỷ đồng, chi phí nhân công, vật liệu xây dựng tăng giá...

Lạ lùng đến mức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã 2 lần có văn bản chỉ đạo Vinashin thực hiện việc di dời nhà máy đóng tàu; UBND TP Đà Nẵng có 4 văn bản đề nghị Vinashin thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng; Bộ GTVT cũng liên tục thúc Vinashin thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Thế nhưng, cho đến nay, phía Vinashin vẫn bình chân như vại (dù đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng). Giám đốc Cty Vịnh Thuận Phước Nguyễn Đình Chiến cay đắng mỗi khi tết đến không biết xoay xở đâu ra tiền trả cho người lao động.

“Tôi không thể hiểu vì sao Vinashin bất chấp tất cả để đẩy chúng tôi vào đường cùng. Chúng tôi không thể chết chùm với Vinashin được”, ông Chiến than thở.

Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở KH&ĐT Đà Nẵng) Nguyễn Đức Xa, cho hay: Riêng tháng 3 có 15 đơn vị phải giải thể, xóa tên với tổng vốn đăng ký hơn 21 tỷ đồng. Hết quý I/2013, toàn thành phố có 50 doanh nghiệp giải thể. Năm 2011, Đà Nẵng có hơn 260 đơn vị giải thể, đến năm 2012, con số này tăng lên gần 290 doanh nghiệp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG