> Nhật muốn tuyển dụng thêm lao động Việt
> Hơn 5.400 hồ sơ lao động được giới thiệu với Hàn Quốc
Lao động Việt bị soán ngôi
Thay vì chỉ ưu ái tuyển lao động Việt Nam như trước đây, các chủ sử dụng Hàn Quốc đã dần chuyển hướng sang tuyển dụng lao động đến từ Campuchia.
Ông Choi Byung Gie, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam (HRD) cho biết, trong năm 2012 và các tháng đầu năm 2013, Campuchia đã soán ngôi vị số một của Việt Nam thành nước có lượng lao động được tiếp nhận nhiều nhất.
Đặc biệt, Hàn Quốc vừa công bố hạn ngạch trong năm 2013 là 60 nghìn lao động, nhưng không có Việt Nam vì tỷ lệ bỏ trốn quá cao (hơn 50%).
“Chúng ta không thể vì một nhóm người bỏ trốn mà khiến quan hệ hai nước bị ảnh hưởng và khiến hàng vạn người mất đi cơ hội sang Hàn Quốc làm việc thu nhập cao” Ông Nguyễn Thanh Hòa |
Năm 2011, Việt Nam đưa được 12,5 nghìn lao động sang Hàn Quốc làm việc, đến năm 2012 giảm xuống còn 6.400 người. Năm 2013, chắc chắn số lượng càng giảm vì Chương trình cấp phép cho người lao động nước ngoài (Chương trình EPS) bị dừng từ tháng 8/2012 đến nay chưa được Hàn Quốc ký lại. Hậu quả nặng nề, 12.000 lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn từ tháng 12/2011 và hàng vạn lao động đã học tiếng Hàn trên cả nước hết cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
Đại diện Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thân nhân của 12.000 lao động đã thi đỗ kỳ kiểm tra tiếng Hàn (tháng 12/2011) đang ngồi trên lửa. Đến cuối năm 2013, nếu Hàn Quốc vẫn dừng không tiếp nhận lao động Việt Nam, chứng chỉ tiếng Hàn của người lao động sẽ bị vô hiệu.
“Không ai đi Hàn Quốc với 630 USD”
Đó là khẳng định của thân nhân các gia đình ở Thái Bình có con em đang bỏ trốn tại Hàn Quốc khi trao đổi với PV Tiền Phong. Thái Bình là một trong 5 tỉnh, thành phố có số lượng lao động bỏ trốn cao nhất cả nước. Ông Trần Văn Vinh, xã Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình) có con là Trần Văn Vấn đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cho biết, để con sang được Hàn Quốc, ông phải chi 4.500 USD.
“Có nhiều người phải mất tới 12.000 USD mới đi được. Do đang cư trú bất hợp pháp nên lương trung bình Vấn chỉ được khoảng 1.000 USD/tháng. Tôi rất muốn gọi cháu về nước nhưng phải làm tới 2 năm may ra mới thu đủ chi phí” - ông nói.
Là xã có số lượng lao động bỏ trốn lớn nhất huyện Vũ Thư, theo ông Ngô Xuân Ba, Phó chủ tịch UBND xã Minh Lãng, việc có kêu gọi được 100% con em về nước hay không rất khó trả lời.
Trong khi, theo ông Nguyễn Văn Điều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thái Bình, toàn tỉnh có 637 lao động phải về nước trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013. Đến nay, còn 80% số lao động chưa chịu về nước, đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Bỏ trốn bị xử tù 2 năm
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 2004 đến nay, có trên 70.000 lượt lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS. Hiện, còn khoảng 57.000 lao động đang làm việc. Trong đó, có tới 17.000 lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng vẫn trốn ở lại làm việc bất hợp pháp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, điều tra của Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho thấy, chính gia đình đã thỏa thuận để lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc.
Vì vậy, khi sang Hàn Quốc đàm phán, phía Việt Nam không dám đề nghị phía bạn truy bắt lao động bất hợp pháp Việt Nam.
“Nếu đề nghị, họ sẽ bắt ngay nhưng lúc đó bộ mặt của đất nước chúng ta sẽ ra sao. Theo quy định, người lao động bỏ trốn là đã vi phạm hình sự và bị xử tù 2 năm. Chúng ta không thể vì một nhóm người bỏ trốn mà khiến quan hệ hai nước bị ảnh hưởng và khiến hàng vạn người mất đi cơ hội sang Hàn Quốc làm việc thu nhập cao” - ông Hòa khẳng định.