Hàng loạt cty chứng khoán 'mất tích'
> Ba kịch bản cho... chứng khoán
> Vắng bóng nhà đầu tư lớn
Mắc nhiều sai phạm trong hoạt động, sai lầm về chiến lược kinh doanh dẫn tới thua lỗ, phá sản là lý do chính khiến nhiều công ty chứng khoán rút khỏi thị trường.
Sàn chứng khoán Âu Việt một thời nhộn nhịp. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong năm qua, hàng loạt công ty chứng khoán thành viên trên tổng số gần 200 doanh nghiệp đăng ký tại hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM gặp biến cố. Phổ biến nhất vẫn là kinh doanh thua lỗ triền miên và rút nghiệp vụ môi giới. Hầu hết các công ty này đều có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng, có đơn vị từng lọt top 10 thị phần môi giới.
Đầu năm 2012, ba công ty chứng khoán Đông Dương, Hà Nội và Trường Sơn là những doanh nghiệp đầu tiên rút tư cách thành viên tại 2 sở giao dịch. Tiếp đó là Chứng khoán SME sau những bê bối pháp lý của lãnh đạo. Các doanh nghiệp này vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2012, tuy nhiên, tất cả đều lỗ trên 20 tỷ đồng năm 2011. Sau khi bàn giao khách hàng sang đơn vị chứng khoán khác, trụ sở các công ty này cũng chuyển qua nhiều nơi khác nhau, website và số điện thoại liên lạc không còn hoạt động khiến nhiều nhà đầu tư cảm giác chúng gần như “bốc hơi” khỏi thị trường.
Một số công ty chứng khoán vẫn giữ liên lạc với nhà đầu tư, nhưng do kinh doanh thua lỗ nên đang tính kế giải thể. Đình đám nhất thời gian qua phải kể đến Chứng khoán Âu Việt. Vốn điều lệ công ty đạt 360 tỷ đồng, nhưng hơn 2 năm, Chứng khoán Âu Việt liên tiếp thua lỗ, hiện lỗ lũy kế lên tới 151 tỷ đồng. Công ty chính thức giã từ sân chơi chứng khoán sau đại hội cổ đông lần cuối tổ chức ngày 20/3 vừa qua, cổ phiếu công ty sau đó cũng bị hủy niêm yết.
Chứng khoán Chợ Lớn với vốn điều lệ 90 tỷ đồng đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng trước khi nói lời tạm biệt. Năm 2012, doanh nghiệp gánh khoản lỗ 3,1 tỷ đồng, doanh thu cả năm chỉ đạt 8 tỷ đồng, bằng 34% cùng kỳ năm trước. Hiện Chứng khoán Chợ Lớn chỉ còn 7 nhân sự, chủ yếu là hội đồng quản trị cùng ban điều hành công ty. Hai năm qua, công ty cũng không trả thưởng cho đội ngũ lãnh đạo vào các dịp đặc biệt.
Chứng khoán Sao Việt hiện cũng còn 7 nhân sự. Tại thời điểm 31/12/2012, lỗ lũy kế công ty là 92,89 tỷ đồng, chiếm gần 68% vốn điều lệ. Công ty đã phải rút bớt nghiệp vụ môi giới, lưu ký chứng khoán và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục trong tương lai. Giữa tháng 3 vừa qua, Chứng khoán Sao Việt đã trình công văn lên Trung tâm Lưu ký Việt Nam về việc chuyển số dư chứng khoán sở hữu của từng khách hàng sang Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) trong thời gian tới.
Một số công ty gặp biến cố trên thị trường trong thời gian qua còn có Chứng khoán An Phát, Chứng khoán Liên Việt tự nguyện xin chấm dứt tư cách thành viên tại hai sở giao dịch. Trong đó, Chứng khoán Liên Việt lỗ liên tiếp 2 năm gần đây, còn Chứng khoán An Phát cũng chỉ lãi 412 triệu đồng trong năm 2012. Trước đó An Phát đã lỗ 38,7 tỷ đồng năm 2011, doanh thu 2012 cũng giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán Dầu Khí lại chọn cách đóng cửa hàng loạt chi nhánh trong năm 2012 để cứu vãn tình hình sau khi lỗ tới hơn 93 tỷ đồng năm 2011. Nhờ vậy, dù doanh thu giảm, năm qua công ty vẫn vớt vát lại phần lợi nhuận sau thuế gần 817 triệu đồng, đồng thời cổ phiếu cũng thoát diện cảnh báo.
Từng nằm trong top 5 công ty có thị phần môi giới lớn trên thị trường chứng khoán, nhưng 2 năm trở lại đây Chứng khoán SBS liên tục lỗ. Căn cứ báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2012 của Chứng khoán SBS, công ty có lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2012 là 1.767 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 1.266 tỷ đồng. Doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng toàn diện và đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản.
Ngày 25/3, cổ phiếu SBS của công ty đã bị hủy niêm yết bắt buộc. Trong buổi họp đại hội cổ đông ngày 26/2, công ty đã đưa ra đề án tái cấu trúc công ty và được đại hội cổ đông thông qua. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kiều Hữu Dũng thành thật chia sẻ việc đưa doanh nghiệp trở về thời kỳ hoàng kim như những năm trước là điều rất khó.
Ông Lý Thanh Nhã, Giám đốc chi nhánh Chợ Lớn, Công ty chứng khoán Đông Á cho rằng hiện nay số lượng công ty chứng khoán quá nhiều so với nhu cầu thị trường. Đối với những đơn vị nhỏ, không có ngân hàng hay tổ chức, công ty mẹ chống lưng về tài chính có thể sẽ rơi rụng trong thời gian tới.
“Năm 2013, theo đánh giá cá nhân tôi, ngành này còn tiếp tục thu hẹp về số lượng công ty vì tính thanh khoản của thị trường không đủ sức nuôi sống số đông thành viên”, ông Nhã chia sẻ
Cũng theo ông Nhã, hiện các công ty chứng khoán sống được là nhờ phí môi giới và sự gia tăng ở mảng vay ký quỹ. Tuy nhiên, miếng bánh môi giới quá nhỏ, chỉ tập trung vào một số công ty chứng khoán có tiếng, số còn lại không đủ để chia phần. Các nghiệp vụ khác mang lại lợi nhuận như tự doanh dường như thiếu cơ hội. Trong khi đó, tín hiệu khả quan về hợp đồng liên quan đến phát hành thêm cũng rất ít.
"Cho nên, các công ty chứng khoán nhỏ không cầm cự nổi có thể sẽ sáp nhập, chuyển đổi hoặc bị xóa sổ", ông Nhã đánh giá.
Trong năm 2012, hoạt động tự doanh là èo uột nhất. Nguyên nhân là giá cổ phiếu điều chỉnh giảm sâu, nhiều công ty chứng khoán “ôm” những cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, bất động sản phải chịu lỗ. Năm qua cũng chỉ có thời điểm đầu năm thị trường còn xuất hiện nhiều đợt sóng. Từ tháng 5 trở đi, hàng loạt thông tin xấu như bầu Kiên bị bắt, nợ xấu ngân hàng đã làm khối tự doanh gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm lợi nhuận, ông Nhã chia sẻ.
Chủ tịch một công ty chứng khoán từng có thời lọt vào top 10 thị phần môi giới cũng nhận định kinh doanh chứng khoán nhìn chung là con đường đấu tranh mạnh, “ông” nào không có thị phần lớn sẽ không đủ khả năng duy trì do giá trị giao dịch thấp. Ngoài ra, vị chủ tịch này cũng khẳng định: “Trên thị trường hiện chỉ khoảng 20 công ty đứng đầu bảng còn có khả năng sống sót, phần còn lại hầu hết phải chạy sang các mảng khác như tự doanh hay tư vấn may ra mới đủ sức tồn tại, còn để cạnh tranh về môi giới thì phải thực sự có chiến lược tốt”.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước khẳng định 2012 là năm khó khăn nhất của các công ty chứng khoán từ trước tới nay. Thua lỗ là do doanh nghiệp có chiến lược không đúng, nhiều đơn vị còn mắc nhiều sai phạm dẫn tới thua lỗ phá sản.
Đánh giá về thị trường trong thời gian gần đây, ông Bằng cho biết từ cuối năm 2012 đã xuất hiện dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, các công ty lỗ từ nhiều năm trước vẫn chưa thể khắc phục ngay được. Để chất lượng doanh nghiệp nâng cao, theo ông Bằng, Ủy ban đã siết chặt hơn về chỉ tiêu an toàn tài chính, đưa vào quy trình quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, cảnh báo sớm cho doanh nghiệp.
Quy chế về liên thông vốn trong ngân hàng cũng có sửa đổi, ngoài ra chỉ tiêu trong việc đầu tư bất động sản cũng được kiểm soát hơn. Tuy nhiên, ông Bằng nhấn mạnh, bản thân phía ngân hàng cũng phải tự có biện pháp riêng để quản lý những trường hợp nhà đầu tư xin vay và không đáp ứng đủ thủ tục nhưng vẫn được chấp thuận.
Trong thời kỳ lãi suất trần và lãi suất ngoài chênh nhau, nhiều cán bộ ngân hàng, chứng khoán lợi dụng để tư lợi cá nhân. Thực tế, họ cầm cố nhưng họ lại không có sản phẩm, đến khi thua lỗ mới lộ diện vỡ nợ. Có thời kỳ, kích cầu nới lỏng việc cho vay, nhiều công ty chuyển phần tiền đi vay sang kinh doanh bất động sản, đến lúc lạm phát tăng cao, tiền vay không trả được bất động sản rớt xuống, khiến chứng khoán cũng lao dốc theo.
Theo Tường Vi - Hồng Châu
VnExpress