> Đầu cơ vàng sẽ phải trả giá đắt?
> Không cho vay vốn mua vàng
Ghi nhận của PV tại cửa hàng Cty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh miền Bắc (Giang Văn Minh, Ba Đình) trong buổi sáng, giao dịch diễn ra ảm đạm.
Cả buổi sáng chỉ có vài khách đến mua dưới 10 lượng, khách bán cũng không nhiều. Một vị khách tên Hưng ngồi tại cửa hàng cả buổi chờ dập bao bì 200 lượng vàng mua từ hôm trước, cho biết: “Tôi cũng chẳng hiểu thế nào khi giá đấu thầu còn cao hơn giá thị trường. Tôi hy vọng sau đấu thầu giá sẽ xuống để tiếp tục mua vào”.
Đến đầu giờ chiều, vàng SJC trên thị trường tiếp tục bị đẩy lên gần bằng với giá đấu thầu, ở mức 43,77 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm này, giá vàng thế giới điều chỉnh tăng 10 USD/ounce so với cuối ngày 27/3 (theo giờ Việt Nam), nhưng vẫn thấp hơn giá vàng tại Việt Nam 3,26 triệu đồng/lượng.
Theo giám đốc một DN kinh doanh vàng miền Bắc: “Phiên đấu thầu quá khó hiểu, không rõ vì sao mức tham chiếu mà NHNN đưa ra lại cao hơn giá thị trường hàng trăm nghìn đồng/lượng và cao hơn thế giới 3,4 triệu đồng/lượng trong khi mục tiêu là hạ giá vàng. Với mức giá này, không DN nào muốn tham gia đấu thầu vì chỉ có lỗ mà thôi. Theo đó, trúng thầu giá cao thì phải mua, nếu không muốn mất 10% số tiền đặt cọc”.
Còn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết: “Hiện, trên thị trường không có diễn biến khác thường, giao dịch khá ảm đạm. Theo tôi, giới đầu tư và người dân đang chờ phiên họp Quốc hội sắp tới”.
“Ngân hàng ACB bỏ thầu giá cao do vẫn đang thiếu hụt nguồn vàng để cân bằng trạng thái. Tuy nhiên, từ mức tham chiếu của NHNN cho đến đơn vị trúng thầu, vô hình trung đã đẩy giá vàng ngoài thị trường tăng cao.
Dường như ở đây có sự bắt tay giữa các “nhóm lợi ích” khiến thị trường vàng đảo lộn. Điều này chỉ khiến khách hàng càng thận trọng hơn với vàng”, một chuyên gia kinh tế nói.