Đề cao vai trò doanh nhân trong Hiến pháp

Đề cao vai trò doanh nhân trong Hiến pháp
TPO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang tích cực lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Dưới đây là một số góp ý ban đầu.

> Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trong Hiến pháp

> Tăng quyền biểu quyết của công dân

> Nhân dân phải được tham gia phản biện
> Cần lấy ý kiến có chiều sâu của các tầng lớp nhân dân

Về điều 2 dự thảo quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức…”, VCCI đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung “đội ngũ doanh nhân” vào liên minh, tạo thành liên minh công – nông – trí – doanh. Điều 2 vì vậy có thể được điều chỉnh như sau: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và đội ngũ doanh nhân…”

Theo VCCI, việc bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với việc phát triển và tăng cường vai trò của đội ngũ doanh nhân thể hiện trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Có thể thấy rõ hơn vấn đề này thông qua phần quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 09 –NQ/TW trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước. Tăng cường mối liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. “

Việc này cũng phù hợp với quan điểm của Đảng về việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được bắt đầu từ Hiến pháp 1992. Sau hai thập kỷ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân nước ta đã dần được hình thành và trưởng thành, đóng góp quan trọng cùng các giai tầng khác trong việc xây dựng nền thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ doanh nhân cũng đóng vai trò quan trọng vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng mà Đảng và Nhà nước ta khởi xướng, góp một phần vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và hội nhập toàn diện của đất nước ta.

VCCI cũng bày tỏ sự nhất trí với Điều 54 của dự thảo Hiến pháp về việc không phân biệt các thành phần kinh tế. Theo VCCI, điều này phù hợp với nguyên tắc “các thành phần kinh tế cùng hoạt động và cạnh tranh bình đẳng”, phù hợp với nguyên tắc không phân biệt đối xử của các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia.

Đất đai và cơ chế xin - cho

Về một số vấn đề xung quanh chế định đất đai trong Hiến pháp (Điều 58 Dự thảo), VCCI cho rằng đất đai là tài sản quan trọng, cơ nghiệp lớn nhất của hầu hết doanh nghiệp và người dân. Đất đai hiện cũng được đánh giá là lĩnh vực nóng trong thực tiễn tại nhiều địa phương. Do vậy, có rất nhiều kỳ vọng trong xã hội về việc sửa đổi chế định này trong Hiến pháp.

Một số ý kiến mà VCCI tập hợp được cho rằng một trong những lý do khiến việc quản lý đất đai thời gian qua còn nhiều yếu kém chính là sự tồn tại cơ chế “xin – cho” khá nặng nề cùng việc sử dụng nhiều quy định, quyết định hành chính đối với đất đai… trong khi đất đai hay quyền sử dụng đất vốn là một loại hàng hoá (đặc biệt) và cần được quản lý đúng với tính chất “hàng hóa” theo các biện pháp đặc thù. Một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục những bất cập này chính là việc đẩy mạnh là tích cực phát huy các yếu tố thị trường liên quan đến đất đai.

Theo các ý kiến mà VCCI tập hợp được từ cộng đồng doanh ngân, việc phát huy yếu tố thị trường trong quản lý đất đai có thể được cụ thể hóa bằng nhiều biện pháp hiệu quả trong các văn bản Luật và dưới Luật, bao gồm:

- Các biện pháp đấu thầu quyền sử dụng đất (đối với đất công nghiệp, đất dịch vụ…) một cách công khai, minh bạch thay cho cơ chế giao đất hay Nhà nước trực tiếp đứng ra cho thuê đất; có thể thành lập các tổ chức phát triển quỹ đất hoạt động một cách chuyên nghiệp.

- Các biện pháp định giá đất theo hướng thị trường thông qua việc sử dụng các tổ chức định giá đất độc lập (do các bên thoả thuận lựa chọn) để xác định giá đất phù hợp với giá thị trường. Cách thức này có thể giúp đem lại sự công bằng cho người dân, quyền lợi cho doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu ngân sách; giảm sức ép cho bộ máy hành chính các cấp và hạn chế tình trạng khiếu kiện.

- Các biện pháp thị trường trong quản lý đất nông nghiệp như có lộ trình bãi bỏ các quy định về thời hạn sử dụng đất và quy định về hạn điền, tạo điều kiện cho quá trình tích tụ đất đai. Với động lực kinh tế từ thị trường, quá trình tích tụ đất đai sẽ làm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất lao động, tái phân bổ tài nguyên đất rất quý giá vào những người kinh doanh hiệu quả hơn và giúp họ có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp.

Với quan điểm tiếp cận như vậy, VCCI xin đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cụm từ “phù hợp với các yếu tố thị trường” vào khoản 1 Điều 58 Dự thảo, thành: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý phù hợp với các yếu tố thị trường, theo quy hoạch và pháp luật.”

Theo Viết
MỚI - NÓNG