Cơ hội kinh doanh 2013: Cái khó ló cái khôn

Cơ hội kinh doanh 2013: Cái khó ló cái khôn
Dự báo bức tranh kinh tế chưa khởi sắc nhưng không ít doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư vẫn tìm thấy cơ hội làm ăn trong năm 2013.

Ngân hàng “dài cổ” chờ khách
> Bùng nổ nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam

Tuy nhiên, thay vì đầu tư ào ạt, nay do ít vốn họ đã thuê lại nhà xưởng, tận dụng vốn tự có, đồng thời tính toán thận trọng hơn...

Vừa ra tết, ông Thiệu Lê Bình - giám đốc Công ty cổ phần Golden Woods Việt Nam (Biên Hòa, Đồng Nai) - đã phải tất tả tìm nhiều cách tuyển đủ 50 công nhân để kịp thời vận hành nhà máy sản xuất đồ nội thất xuất khẩu vừa hoàn thành phần xây dựng và lắp đặt máy móc.

“Lẽ ra chúng tôi đã sản xuất trước tết, nhưng khi đó rất khó kiếm nhân viên vì họ đều có tâm lý muốn về quê hoặc để ra tết mới tính” - ông Bình cho hay.

Thuê lại nhà xưởng

Là một công ty mới thành lập, quyết định đầu tư vào ngành chế biến đồ nội thất trong bối cảnh nhiều khách hàng giảm đơn hàng với các nhà sản xuất trong nước đã khiến các thành viên sáng lập không khỏi băn khoăn.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Bình, trong bối cảnh kinh tế khó khăn vẫn có những cơ hội để đầu tư, rủi ro của người này có thể là cơ hội cho người khác. “Hơn nữa, quan trọng nhất trong kinh doanh đó là đầu ra thì chúng tôi đã tìm kiếm được khách hàng và có những hợp đồng đầu tiên” - ông Bình nói.

Phần lớn thành viên sáng lập của Golden Woods VN (GWV) đều từng học ở nước ngoài, nên khi đầu tư thực tế ở VN đã gặp không ít khó khăn vì chi phí đầu tư thực tế lại cao hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.

“Đầu tư tại VN cái gì cũng khó vì phải nhập khẩu hầu như toàn bộ nguyên liệu, các phụ liệu cho sản xuất thì phân tán mỗi nơi một loại rất tốn kém thời gian và chi phí, chứ không như nước ngoài có những khu vực chuyên cung cấp các sản phẩm phụ trợ”.

Do đó, sau khi cân nhắc thay vì đầu tư xây mới toàn bộ nhà máy trong khu công nghiệp, GWV đã chọn cách thuê lại cơ sở hạ tầng của một công ty đồ gỗ đang tạm ngưng hoạt động để giảm chi phí đầu tư ban đầu.

“Có nhiều công ty nội thất thời gian qua thiếu khách hàng nên nhà xưởng bỏ không, chúng tôi chọn cách thuê lại để giảm lượng vốn đầu tư, dồn tiền vào sản xuất” - ông Bình cho biết.

Hôm nay 18-2, GWV dự kiến sản xuất những sản phẩm đầu tiên là bàn ghế, tủ... cho khách hàng xuất khẩu đi châu Âu dù công nhân tuyển chưa đủ. “Để đáp ứng đơn hàng, chúng tôi phải chọn giải pháp gia công thêm bên ngoài để kịp giao hàng trong khi chờ đợi đủ công nhân” - ông Bình cho biết. Ngoài ra, theo ông Bình, về lâu dài công ty cũng đã tính đến chuyện đầu tư mở rộng nhà máy, ngoài hàng xuất khẩu công ty định hướng sẽ sản xuất các sản phẩm nội thất riêng cho thị trường VN.

“Đãi” cái khó để tìm cơ hội

Sau một năm làm ăn vất vả, ông Huỳnh Hiếu Dũng - giám đốc Công ty TNHH một thành viên tư vấn đầu tư Kỳ Lân (Q.Bình Thạnh) - cho biết dù doanh thu năm 2012 giảm sút nhưng công ty ông vẫn quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh ngay từ đầu năm 2013.

Chuyên hoạt động trong dịch vụ mua bán xe cũ và cho thuê xe hơn bốn năm nay, ông Dũng nhận định: “Tôi tin thị trường năm 2013 với các giải pháp kích thích nền kinh tế của Chính phủ sẽ khiến kinh tế ấm lên. Và dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng đây cũng là thời điểm tốt của các nhà đầu tư, chủ DN biết nắm thời cơ. Riêng công ty tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình từ 3-4 quận huyện một chi nhánh, mỗi chi nhánh cần số vốn lưu động khoảng 1,5 tỉ đồng”.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc mở rộng các chi nhánh trên cần nguồn vốn lớn nhưng hiện nay ông vẫn chỉ sử dụng vốn tự có vì vốn ngân hàng vừa khó tiếp cận mà lãi suất thực tế vẫn quá cao.

Cùng quan điểm đó, ông Diệp Nhật Thanh Giao - phó giám đốc Công ty TNHH Đinh Nguyên & Anh - cho biết hiện DN ông đang rất cần vốn để phát triển nhưng không dám đụng tới vốn vay ngân hàng vì chưa biết diễn biến của tình hình kinh tế ra sao.

“Chuyên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ quảng cáo nên các giao dịch với khách hàng là 100% nhận tiền sau, nên nếu kinh tế khó khăn khách hàng chậm thanh toán là chúng tôi chết ngay” - ông Giao nói.

Trong số các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thành lập mới đợt đầu năm 2013 có khá nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư. Bà Trần Ái Thiên Hương, tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư quốc tế Mỹ Vịnh, nhận định năm 2013 là cơ hội tốt của nhiều nhà đầu tư biết nắm thời cơ.

Riêng trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, năm nay do nhận ra cơ hội nên Công ty đầu tư quốc tế Mỹ Vịnh tiếp tục mở rộng các chi nhánh ra Trung Quốc, Myanmar. Được biết hiện nay công ty đang hoạt động mạnh tại Mỹ và các nước Nam Phi.

Luật sư Trần Lê Tiến, trưởng văn phòng luật sư Khánh Trần - chuyên tư vấn đầu tư tại TP.HCM - cho biết: “Lượng hồ sơ DN cần tư vấn đầu tư mới và tăng vốn so với cùng kỳ vẫn được duy trì. Nếu năm ngoái các DN chọn đầu tư vào các ngành vật liệu xây dựng là chủ yếu thì năm nay tập trung vào nhóm thương mại và dịch vụ. Cụ thể trong lĩnh vực thương mại tập trung vào xuất nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu chứ không phải nguyên liệu sản xuất. Dịch vụ lên ngôi với du lịch, quảng cáo và cầm đồ. Theo tôi, năm 2013 dự báo tiếp tục khó khăn, có chăng phải đến cuối quý 3 hoặc 4 kinh tế mới khá lên và đây cũng là thời điểm các DN chuẩn bị cơ sở và tiềm lực bung ra làm ăn”.

Nước ngoài tăng tốc

Sản xuất gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty sản xuất đồ gỗ nội thất Minh Phát 2 - Mifaco (Bình Dương). Ảnh: Lê Sơn
Sản xuất gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty sản xuất đồ gỗ nội thất Minh Phát 2 - Mifaco (Bình Dương). Ảnh: Lê Sơn.
 

Trong khối sản xuất ghi nhận lượng DN thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu trong danh sách đăng ký thành lập mới tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM với 107 dự án. Trong đó tiếp tục chứng kiến sự tăng tốc của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tiêu biểu tại Khu công nghiệp Tân Bình, dự án của Công ty cổ phần Hanwa Kakoki đang hoàn thiện các hạng mục xây dựng nhà xưởng để có thể hoạt động sản xuất sau tết. Với 100% vốn của Nhật Bản chuyên sản xuất các loại máy khuấy phục vụ nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhà máy này được xây dựng trên diện tích hơn 1.000m2 tại Khu công nghiệp Tân Bình.

Ông Nguyễn Thanh Long, đại diện công ty này, cho biết: “Năm năm nay chúng tôi mở văn phòng đại diện tại VN và nhập hàng từ công ty mẹ ở Nhật qua để về phân phối. Năm nay nhận thấy nhu cầu sử dụng các loại máy khuấy tại VN ngày càng lớn nên chúng tôi quyết định mở nhà máy sản xuất và phân phối hàng trực tiếp tại VN”.

Ông Long cho biết thêm dù năm 2012 gặp nhiều khó khăn kể cả với hai nhà máy đang hoạt động ở Trung Quốc và Nhật Bản, tuy nhiên công ty vẫn chọn năm 2013 là thời điểm để đầu tư vào VN với nhìn nhận tình hình kinh tế đang ấm lên tại thị trường này.

Trong lĩnh vực dệt may, nhiều DN nước ngoài cũng bắt đầu mở nhà xưởng thành lập công ty mới.

Tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi), nhà máy sản xuất sợi của Công ty TNHH Giải pháp sợi thông minh liên doanh giữa Việt Nam và Úc, sản xuất sợi nhựa tổng hợp quy mô 80.000 sản phẩm/năm, tương đương 504 tấn/năm.

Lãnh đạo công ty này cho biết năm 2013 là thời điểm tốt để ra mắt công ty nhằm đón đầu thời cơ kinh tế phục hồi.

Theo đó, công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại dây bện, lưới và sản phẩm dệt từ sợi nhựa tổng hợp quy mô 20.000 sản phẩm/năm, tương đương 126 tấn/năm. Lượng hàng sản xuất ra vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Theo Đình Dân – Trần Mạnh
tuoitre.vn

Dịch vụ lên ngôi

Ghi nhận tại phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM những ngày đầu năm lượng DN đến làm việc tăng mạnh. Chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 1 đã có gần 1.000 DN thành lập mới, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2012. Nhiều ước vọng nhưng các chủ DN vẫn thận trọng cho rằng khó khăn vẫn còn trước mắt...

Trong số DN có mặt tại đây tập trung chủ yếu là trong lĩnh vực dịch vụ. Bà Nguyễn Hữu Hòa, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, cho biết lượng DN đến đăng ký thành lập mới và tăng vốn nhiều hơn, tuy nhiên vẫn tập trung chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ. Khối sản xuất nhiều DN đăng ký tăng vốn để mở rộng sản xuất nhưng cũng không ít để bù lỗ của năm cũ.

Công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-1-2013 tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài là 281,4 triệu USD, tăng 74% so với tháng 1-2012. Trong đó có 37 dự án được cấp giấy phép đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 257 triệu USD, tăng 293% so với cùng kỳ năm 2012. Và có chín lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 24,3 triệu USD, bằng 25% so với cùng kỳ.

Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 21 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 202,9 triệu USD, chiếm 72,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng 1.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.