Chủ DA 'Phố Wall Hà Nội' đã đầu tư gì ở Việt Nam?
> Đại gia Dubai xây 'Phố Wall' 30 tỷ USD tại Hà Nội?
Tập đoàn Global Sphere đến từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang lên kế hoạch xây dựng dự án “Phố Wall Hà Nội” nằm cách sân bay Nội Bài 4 km, với tổng giá trị lên tới 30 tỷ USD.
Lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa Global Sphere, Công ty Hanel với Emirates Gate Investment. Ảnh: Global Sphere. |
Chủ tịch Hội đồng quản trị Global Sphere, Abdullah Al Sayegh, cho biết dự án sẽ là cánh cổng để nhiều công ty khác của UAE vào Việt Nam. Được thành lập hơn 10 năm trước ở Dubai, Global Sphere đã hợp tác cùng nhiều công ty châu Âu và châu Mỹ tổ chức vốn cho những dự án lớn của các hãng thương mại hoặc chính phủ, để thực hiện những siêu dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như hạ tầng, dầu lửa.
Người đứng đầu tập đoàn Global Sphere cho biết, ngoài thế giới Arab, họ cũng đang đẩy mạnh việc kinh doanh của tập đoàn sang các thị trường ít phát triển hơn tại các lục địa như châu Á và châu Phi. Global Sphere tham gia vào các dự án với vai trò là một đối tác, cấp vốn lên tới 80% - 100% tổng mức giá trị của dự án. Lợi nhuận sẽ được chia tùy vào thỏa thuận giữa tập đoàn này với các bên có liên quan.
Tại Việt Nam, theo lời ông Al Sayegh, “Phố Wall Hà Nội” sẽ là dự án kinh doanh đầu tiên của tập đoàn này ở đây. Tuy nhiên, trước đó, công ty này đã tham gia vào nhiều hợp đồng cùng với các đối tác khác ở Việt Nam, trong đó có nhiều hạng mục đang được thực hiện. Hầu hết những dự án được Global Sphere đổ vốn có liên quan tới hạ tầng như xây dựng đường sá, các giải pháp về điện tử, công nghệ.
Gần đây nhất, hôm 71, tại Khu công nghiệp Phong Điền, Thừa Thiên Huế, đã diễn ra lễ khởi công dự án Tổ hợp nhà máy pin mặt trời đầu tiên tại tỉnh này. Dự án được xây dựng trên diện tích 15 ha với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu tiên là 300 triệu USD, do Công ty Cổ phần Đầu tư chuyển giao Worldtech liên doanh, hợp tác với Global Sphere nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, hiện đại của thế giới.
Dự án có công suất 60 MWp/năm, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 5-2015. Nguồn nguyên liệu chính để phục vụ sản xuất là 250 ha cát trắng sẵn có tại địa phương. Sản phẩm chính sẽ gồm pin năng lượng mặt trời, kính OTC, kính xây dựng và các loại thủy tinh màu cao cấp. 90% số sản phẩm làm ra sẽ được bao tiêu xuất khẩu sang các nước trên thế giới và 10% còn lại sẽ tiêu thụ trong nước.
Trước đó, hôm 5-10-2012, Công ty Cổ phần khoáng sản - xi măng Hoàng Sơn (Thanh Hóa) đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Sơn với tập đoàn Global Sphere, với tổng vốn đầu tư xây dựng là 200 triệu USD. Nhà máy xi măng Hoàng Sơn có tổng diện tích 43,8 ha nằm trên địa bàn 3 xã Hoàng Sơn, Trung Chính, Tân Phúc của huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Dây chuyền sản xuất xi măng của nhà máy có thiết kế công suất 4.000 tấn clanke/ngày, tương đương với 1,4 triệu tấn xi măng mỗi năm. Trong đó Global Sphere sẽ hợp đồng bao tiêu 1 triệu tấn xi măng/năm. Nhà máy sẽ sử dụng công nghệ, thiết bị của Đức và Trung Quốc, sản xuất theo phương pháp khô, công nghệ lò quay. Dự kiến, khi chính thức đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 400 lao động.
Cũng trong năm ngoái, hôm 28-6, Global Sphere cùng tập đoàn Emirates Gate Investment và Công ty TNHH MTV Hanel ký hợp đồng nguyên tắc, đầu tư xây dựng, khai thác 4 dự án quan trọng của Hanel, gồm: Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Điểm thông quan nội địa Tp. Hà Nội, Tòa tháp thương mại điện tử và văn phòng Hanel, Đường nối tỉnh lộ 282 - cầu vượt sông Đuống đến quốc lộ 18 - tỉnh Bắc Ninh.
Theo nguồn tin của Hanel, thời gian hoạt động là 25 năm với tổng vốn đầu tư 785 triệu USD. Hanel cho rằng, lễ ký kết này là một bước hiện thực hóa các ý tưởng hợp tác kinh doanh được lãnh đạo các bên ấp ủ lâu nay.
Theo Hải Yến
VnEconomy