> Doanh nghiệp địa ốc đang nợ 125 ngàn tỷ đồng
> Cho vay mua nhà lãi suất chỉ 6%
Gánh nặng tăng phí
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc quy định giao dịch không dùng tiền mặt trong thanh toán về cơ bản là tiến bộ. Đây là cách từ lâu nhiều nước trên thế giới áp dụng để kiểm soát luồng tiền, kiểm soát mua bán cũng như chống rửa tiền.
Tuy nhiên, với những quy định “sơ khai” như trong dự thảo thì cần có lộ trình, không áp dụng quy định thanh toán không dùng tiền mặt một cách đại trà như trong dự thảo.
TS Doanh cho biết, trong nhiều lần đi công tác tại Hà Giang, ông thấy có nhiều thầy cô giáo phải đi bộ gần một ngày trời từ các vùng sâu về đến các khu vực có điểm giao dịch ngân hàng để gửi tiền.
Nhiều người, vì đường sá đi lại khó khăn phải chấp nhận giữ lại tiền bên mình để “chơi bạc” với nhau. Với quy định này chỉ nên áp dụng ở khu vực đồng bằng, những nơi thuận tiện trong giao dịch ngân hàng. Khi có điều kiện chín muồi thì mới áp dụng đại trà.
Với các khoản tiền giao dịch giá trị lớn thì cần có quy định về mức phí tối đa đối với các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Việc người dân phải trả mức phí 0,05% tổng giá trị giao dịch trong nhiều trường hợp là quá lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có nhu cầu mua sắm hàng trăm ô tô/lần.
Theo báo cáo của Vụ Thanh toán, NHNN, trong 6 tháng cuối năm 2011 thanh toán bằng thẻ chỉ chiếm 7,71% số lượng giao dịch và 2,14% về giá trị giao dịch. Thống kê cho thấy, các đơn vị đã phát hành hơn 788.379 ví điện tử và có lượng giao dịch đạt hơn 2,8 triệu lượt giao dịch, nhưng tổng giá trị chỉ ở mức khá khiêm tốn, hơn 7,5 tỷ đồng. |
Ở các nước, việc quản lý chống rửa tiền dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có việc kiểm soát được thu nhập của người dân, hệ thống các dịch vụ ngân hàng là yếu tố thiết yếu đối với người dân. Khi nắm được các nguồn tiền thì mới kiểm soát được thay vì “chặt khúc” các quy định về kiểm soát rửa tiền ra để áp dụng.
Có như vậy họ mới có thể có quy định thanh toán các khoản giao dịch từ 50 USD trở lên là phải thực hiện qua ngân hàng.
Một báo cáo mới đây của Vụ Thanh toán, NHNN cũng thừa nhận, việc Thông tư 01 quy định mức phí rút tiền mặt từ 0% đến 0,05% trên số tiền giao dịch để hạn chế việc rút tiền mặt trong thời gian qua là chưa hiệu quả.
Trên thực tế, hầu hết các ngân hàng thương mại đều áp dụng mức phí 0% để tăng tính cạnh tranh trong thu hút khách hàng và sử dụng nguồn vốn.
Với quy định người dân phải trả mức phí 0,05% cho mỗi lần giao dịch, nếu một khách hàng có tiền gửi tại ngân hàng 4 tỷ đồng, khi khách có nhu cầu thanh toán cho một khách hàng khác tại cùng địa bàn nhưng khác hệ thống ngân hàng, phí chuyển tiền và rút tiền qua các kênh thanh toán nhanh lên tới 2,2 triệu đồng.
Còn thực hiện thanh toán bù trừ với mức phí 0,02% thì người chuyển tiền mất 880.000 đồng. Đó là chưa kể phải trả thêm 440.000 đồng (phí 0,01%) khi rút tiền mặt để nộp vào tài khoản khách hàng.
Những khoản phí này đã khiến quy định mức phí để rút tiền mặt như hiện nay là chưa hiệu quả, chưa khuyến khích thậm chí còn hạn chế việc sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Với việc áp dụng mức phí rút tiền mặt như trên, nhiều doanh nghiệp và cá nhân trong các giao dịch với giá trị lớn đã lựa chọn rút tiền mặt trao tay vừa không mất phí lại có thể trốn thuế và thuận tiện, nhanh chóng.
Vốn rẻ cho ngân hàng
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với dự thảo này của NHNN, người được hưởng lợi chính là các ngân hàng. Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, khi áp dụng quy định này thì ngân hàng được lợi nhất.
Hiện các ngân hàng thu rất nhiều khoản phí khác nhau như phí mở tài khoản, phí duy trì tài khoản, phí thông báo giao dịch qua tin nhắn, chưa kể như quy định trong tài khoản phải duy trì lượng tiền tối thiểu 50.000 đồng – 100.000 đồng.
Nay buộc phải thanh toán qua ngân hàng với mức phí từ 0%- 0,05%/lần giao dịch, đồng nghĩa là người dân buộc phải trả thêm phí dịch vụ mới.
Cùng đó việc người dân buộc phải gửi tiền vào ngân hàng trước khi thực hiện giao dịch cũng giúp ngân hàng huy động được nguồn vốn lãi suất ưu đãi. Đó là chưa kể nguồn vốn giá rẻ rất lớn mà ngân hàng có thể “chiếm dụng” được từ người gửi tiền do không được rút tiền 50.000 đồng – 100.000 đồng duy trì trong tài khoản.
“Đây là điều sẽ tạo lợi thế rất lớn cho ngân hàng. Trong khi đó, vấn đề rủi ro của ngân hàng ai cũng thấy. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng đã lên tới 10%, có trường hợp lên tới 40% trong khi tiêu chí nợ xấu của ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế là không quá 2%. Đây là một quyết định sẽ ảnh hưởng tới tất cả người dân, vì vậy, nên đưa ra để Quốc hội xem xét và quyết định”- Ông Thành nói.
TS. Alan Phan, nguyên Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa: Mất 5-10 năm mới thực hiện tốt Với tình hình như ở Việt Nam hiện nay, để kiểm soát chống rửa tiền như dự thảo là rất khó. Vì việc thực thi lỏng lẻo. Bởi vậy muốn tình hình tốt hơn chúng ta phải mất 5-10 năm. Ở các nước trên thế giới, không có luật cấm dùng tiền mặt. Việc dùng tiền mặt vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, với những số lượng tiền lớn người dân sẽ báo cho cơ quan hành pháp. Bởi chẳng ai cầm vài chục ngàn USD tiền mặt để tiêu xài. Nếu anh cầm tiền đến mua xe, thì chủ hãng xe cũng sẽ tự động kêu sở thuế đến. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB: Phải tạo lập thói quen mới Dùng tiền mặt hiện nay là thói quen của người Việt Nam. Tuy nhiên, muốn để hạn chế không dùng tiền mặt chúng ta cũng phải có những bước khởi đầu. Người dân chưa có thói quen thì phải tạo thói quen, tạo cơ sở vật chất, cơ sở pháp luật. Qua các giao dịch ngân hàng, lưu lại các giao dịch và từ đó hạn chế được việc rửa tiền. Về mặt tổng thể, vấn đề này đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng: Cần phải thực hiện ngay Việt Nam đã có thời mua nhà được tính bằng vàng. Nhưng nay việc thanh toán mua nhà bằng vàng cũng đã được triệt tiêu. Việc ta xách cả bao tiền đến để mua xe, mua nhà trong nền kinh tế phát triển là điều không hợp lý. Thứ hai giao dịch mua bán kiểu này không kiểm soát được và sẽ tạo kẽ hở cho những người có hành vi phạm pháp lợi dụng. Khi tiêu tiền mặt bao nhiêu cũng không để lại dấu vết, nhưng khi qua ngân hàng trên hóa đơn chứng từ đều để lại. Và các cơ quan chức năng có thể theo dõi nếu cần thiết. Không có ngân hàng thì ông có 10 tỷ, nhưng khai 10 triệu cũng không ai biết. Vì thế việc không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đang phát triển là cần thiết. Tại các quốc gia phát triển, đi mua nhà, mua xe chồng tiền mặt không ai bán cho. Vì họ luôn sợ đó là tiền bất hợp pháp. Nếu bán thì người chủ nhà sẽ bị truy tố theo. Hoàng Nguyên ghi |