Hạt lúa, con cá và người nông dân

Hạt lúa, con cá và người nông dân
TP - Một năm khó khăn thắt ngặt nhưng bữa cơm mỗi gia đình vẫn có cơm với cá, hàng hoá xuất khẩu hàng đầu của nước ta vẫn hạt lúa, con cá do người nông dân làm ra, nên dịp Xuân về không khỏi nghĩ suy với những trăn trở, hy vọng.

> Người dân vùng động đất mong Tết bình yên
> Cánh đồng mẫu lớn lợi cho ai?

Nông dân hàng đầu thế giới

Giữa mùa lũ, ông Huỳnh Kim Hải ngồi ở rốn lũ Đồng Tháp Mười, thị trấn Sa Rài (Tân Hồng, Đồng Tháp), nói làm lúa bây giờ dễ. Ông đang làm 8 ha lúa, chỉ lên cửa nhà bảo hồi trước nước lũ ngang vách, mỗi năm làm một vụ mà bấp bênh, bây giờ có đê bao nên chắc ăn, mỗi héc ta năm làm hai vụ thu 13 tấn, ba vụ thì thu gần 18 tấn.

Nông dân với hạt lúa đạt năng suất gần 18 tấn/ha/năm
Nông dân với hạt lúa đạt năng suất gần 18 tấn/ha/năm.

“Trình độ thâm canh của nông dân Việt Nam thì mọi người đều ngưỡng mộ”, TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, nói.

Cũng như nuôi cá tra, với một héc ta mặt nước, nông dân có thể thu 500 tấn, mức năng suất khó nông dân nước nào nuôi cá nước ngọt đạt được.

Nông dân Việt Nam qua nghìn năm làm nông, vào thời hiện đại vận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã làm được những điều kỳ diệu, nên sản lượng lúa, cá của nước ta không ngừng tăng lên, cả những lúc khó khăn.

Nhưng câu chuyện xoay sang việc tiêu thụ lúa thì ông Hải lại buồn. Từ hợp đồng bao tiêu theo quyết định 80 của Chính phủ đến cánh đồng mẫu lớn, ông đều lắc đầu, nông dân chưa được lợi gì cả.

Ông giải thích, hợp đồng bao tiêu thì phải cam kết chất lượng và giá cả trước khi sản xuất, để nông dân có thể bình đẳng với doanh nghiệp tính toán lãi lỗ. Còn đợi khi nông dân đã làm ra hạt lúa mới “mua theo giá thị trường” thì luật chơi hoàn toàn nằm trong tay doanh nghiệp.

Ông Hải nói, ông cũng như nhiều nông dân, vẫn bán lúa tươi tại ruộng. Hình ảnh nông dân bán lúa tươi tại ruộng, vận chuyển lúa bằng xe trâu vì cả cánh đồng rộng lớn chưa có đường giao thông lưu giữ đậm nét nông nghiệp cổ xưa, lạc hậu.

Tiến sỹ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, một chuyên gia về cơ giới hoá nông nghiệp, nhận xét trình độ cơ giới hoá ở các khâu sản xuất đã khá, nhưng sau thu hoạch thì còn rất thấp.

Về tạm trữ lúa để tăng giá trị, Chính phủ phê duyệt kế hoạch giai đoạn 2009-2011, đầu tư hệ thống kho chứa 4 triệu tấn. Đã có kho cũ 1,5 triệu tấn, chỉ xây thêm kho mới 2,5 triệu tấn, nhưng đến nay mới được 1,3 triệu tấn.

Không kho trữ, kinh doanh chỉ là buôn chuyến, dù xuất khẩu sản lượng hàng đầu thế giới thì cũng không làm chủ được thị trường. Giống như con cá tra, Việt Nam “một mình một chợ”, nhưng chưa bao giờ làm chủ được giá cả.

Quản lý ngang tầm nông dân

Vận chuyển lúa sau thu hoạch, nay vẫn như xưa. Ảnh: Duy Khương
Vận chuyển lúa sau thu hoạch, nay vẫn như xưa.
Ảnh: Duy Khương.

Xuất khẩu số lượng lớn mà sản phẩm không có thương hiệu thì ngang bằng làm thuê cho thiên hạ. Đấy cũng là kết quả của quá trình đầu tư thiên về chiều rộng, thiếu chiều sâu đa dạng sản phẩm, tăng hàm lượng công nghệ.

Cá tra xuất khẩu kim ngạch một năm 1,8 tỷ USD nhưng hầu hết vẫn phi lê đông lạnh, sản phẩm giá trị gia tăng chỉ chừng 1%.

Do các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đang đầu tư từ A đến Z (từ sản xuất thức ăn, nuôi đến chế biến), dàn trải, mất trọng tâm nên manh mún như nông dân với những mảnh ruộng nhỏ, chưa tạo ra được nền tảng hiện đại. Cũng vì thế mà không ổn định, nông dân Việt Nam sản xuất giỏi mà cứ mãi nghèo.

Đầu tư cho nông nghiệp lại chưa tương xứng với đóng góp của nó. Chẳng hạn, ĐBSCL làm ra sản lượng lúa và thủy sản hơn 50% cả nước, nhưng chỉ nhận được 9% kinh phí đầu tư phát triển khoa học công nghệ.

Hoặc tín dụng, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê công bố tháng 7-2012, dư nợ nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm 12% tổng dư nợ tín dụng, trong lúc ngành này đóng góp 21% GDP.

Đầu tháng 12-2012, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL, do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức ở Tiền Giang, kiến nghị Chính phủ có chính sách thúc đẩy liên kết, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, con đường hiện đại hoá nông nghiệp là thu hút được tư nhân đầu tư vào nông nghiệp.

Bởi tư nhân mới có động lực lâu dài. TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói “cần tạo động lực nuôi dưỡng đầu tư tư nhân”.

Trước hết, để họ yên tâm, theo ông Dũng, “cần thay đổi thể chế đất đai”. Một doanh nhân gắn bó với hạt lúa, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mekong (Cần Thơ) Lê Việt Hải nói: “Cần sửa đổi Luật Đất đai, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, không hạn chế hạn điền, cho nông dân vay vốn để mua ruộng đất, miễn các loại thuế liên quan đến quá trình chuyển nhượng đất”. Nông nghiệp hiện đại phải có nền tảng căn bản là diện tích đủ lớn.

Ngẫm ra hạt lúa, con cá nghìn năm hội tụ văn minh nghề nông cho người nông dân Việt Nam hôm nay đạt được năng suất hàng đầu thế giới. Nhưng làm cho tinh hoa ấy trong hạt lúa, con cá lan tỏa toàn cầu để đổi đời nông dân lại đang đòi hỏi tư duy quản lý hiện đại xứng tầm nông dân. Đó là quản lý tạo giá trị gia tăng cho nông sản, bằng những chính sách như một loại tài nguyên đặc biệt nâng lên lợi thế của đất nước. Một niềm hy vọng ở năm mới này và những năm sau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG