Lỗ và nợ

Lỗ và nợ
TP - Trong cuộc gặp thường niên với những “quả đấm thép” của nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ tỏ ra “sốt ruột” khi số lỗ và nợ nần của những tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục gia tăng.

> Đua nhau đổi chủ ngân hàng cuối năm
> Quy định về vai trò của kiểm toán chưa đúng tầm

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, lỗ lũy kế của 10 tập đoàn, tổng công ty khoảng 17.730 tỷ đồng.

Đáng lưu ý là, tổng nợ phải trả của các DNNN lên tới hơn 1,3 triệu tỷ đồng (khoảng trên 60 tỷ USD), hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần). Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần.

Thực ra, những con số trên chỉ có ý nghĩa báo cáo thống kê trên sổ sách, còn thực tế tình hình lỗ và nợ của những DNNN vẫn là một “ẩn số”.

Bởi, chỉ xét ở góc độ nợ/vốn chủ sở hữu và tổng tài sản/nợ phải trả, khó có thể tính toán một cách chính xác. Đơn cử: khi Vinalines mua ụ nổi No83M, giá trị tài sản này nếu ghi trên sổ sách lên tới khoảng 500 tỷ đồng, nhưng thực tế đến nay chỉ còn là đống sắt vụn.

Hay như trong vụ án tại Cty cho thuê Tài chính II (thuộc Agribank), có con tàu cũ giá bán thực chỉ là 100 triệu đồng, nhưng đã được cán bộ liên quan kê khống thành 130 tỷ đồng. Hay nữa như Vinashin, đến khi không thể che giấu nợ nần, tập đoàn này mới lộ diện "lỗ khủng".

Từ thực tế này, người đứng đầu Chính phủ “sốt ruột”, thậm chí lo lắng khi đặt vấn đề “người ta đang nói có Vina nào nữa không?”. Không “sốt ruột” sao được khi mỗi lần bóc dỡ các vụ án tại DNNN, người dân đều sửng sốt về kiểu làm ăn liều lĩnh, bất chấp pháp luật của không ít cán bộ lãnh đạo DNNN, nhằm rút ruột, gây thất thoát hàng trăm, ngàn tỷ của nhà nước.

Bởi vậy, vấn đề quản lý DNNN, không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu DNNN phải công khai, minh bạch lỗ lãi mà hơn cả, kết quả kinh doanh phải được kiểm toán hàng năm, thậm chí, đưa vào luật hoá. Coi đó như một công cụ giám sát và quản lý.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam kiến nghị, thay vì từng tập đoàn, tổng công ty xây dựng một đề án tái cấu trúc của riêng mình cần một đề án tái cấu trúc tổng thể chung hệ thống DNNN. Ở đó những gì tư nhân làm được thì không cần DNNN làm. Những DNNN không cần nhà nước phải “ôm”. Cổ phần hoá nhanh ngày nào, nhà nước đỡ lo ngày đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.