Chấp nhận lỗ để bảo vệ người tiêu dùng

Chấp nhận lỗ để bảo vệ người tiêu dùng
TP - Chỉ sau vài ngày "đuổi" hàng hoá của Vedan khỏi hệ thống siêu thị Coop Mart, lãnh đạo Vedan phải ngồi lại bàn việc đền bù cho nông dân Đồng Nai. Nay cũng chỉ sau vài ngày từ chối bán trứng của Cty CP và Emivest, cả hai DN này đều phải giảm giá trứng trở lại. Điều gì đã tạo nên quyền lực của hệ thống siêu thị Coop Mart?

> Giá sữa lại tăng
> Vai trò của người tiêu dùng

Quyền lực từ bảo vệ người tiêu dùng

Trò chuyện với Tiền Phong, bà Bùi Hạnh Thu  - Phó Tổng giám đốc Liên hiệp HTX TP Hồ Chí Minh (Saigon Coop), đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị trên nói: Qua những cơn sốt gạo, đường rồi vấn đề của Vedan vừa qua, thì thấy người tiêu dùng ngày càng tín nhiệm hệ thống Coop Mart và chúng tôi chỉ nói thay lời nói của người tiêu dùng.

Nói Coop Mart có quyền lực thì tôi nghĩ hơi quá. Thực ra, chúng tôi chỉ đại diện cho quyền lực của người tiêu dùng thông qua hệ thống khách hàng khoảng trên 10 triệu lượt khách mỗi ngày, và tiếng nói đó là tiếng nói của người tiêu dùng Việt Nam.

Việc Coop Mart từ chối nhận và bán hàng của các doanh nghiệp kể trên là để bảo vệ người tiêu dùng hay căn cứ trên yếu tố lợi nhuận?

Ngày 11-1, khi các công ty này tăng giá lên mức 29.500 đồng/chục trứng, chúng tôi đã ngưng bán trứng của họ, đồng thời chúng tôi đã phải hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng trứng khác bằng cách không giữ giá bán dù không có lãi.

Anh biết rằng chi phí vận hành cho một kênh phân phối hiện đại là rất lớn, nên nếu bán không lãi là xem như chúng tôi lỗ về chi phí. Với mỗi hộp trứng bán trong giai đoạn sốt giá (không lấy của CP và Emivest) chúng tôi lỗ 5%.

Đến ngày 14-1, CP thông báo với Coop Mart là giảm giá xuống còn 21.600 đồng/chục, nếu chúng tôi lấy lại trứng của CP thì bán có lãi cao hơn của các DN bình ổn, nhất là những ngày sốt giá, sản lượng tăng gấp mấy chục lần.

Nhưng chúng tôi đã không làm thế, và điều đó cho thấy việc từ chối bán trứng CP, Emivest không xuất phát từ việc cân đo đong đếm về lợi nhuận cho riêng Coop Mart, mà là hành động bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Chúng tôi thể hiện sự đồng hành với các doanh nghiệp cung ứng trứng khác, vì người ta đã rất vất vả trong cuộc chơi "làm giá" của CP.

Khi CP, Emivest tăng giá, chúng tôi không bán hàng của CP mà bán hàng của các DN khác thì chúng tôi lỗ, nhưng bù lại, chúng tôi được một điều rất lớn là niềm tin của người tiêu dùng.

Bà muốn nói Saigon Coop đang thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với người tiêu dùng, đối với cộng đồng?

Đúng, chúng tôi thể hiện trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng. Trước đây, khi Vedan không bồi thường cho nông dân, Saigon Coop đã quyết định rút hàng của Vedan khỏi kệ và thông báo trả hàng lại, lập tức Vedan đã phải ngồi lại với nông dân và đồng ý bồi thường thiệt hại cho nông dân.

Đối với câu chuyện trứng CP, chúng tôi cũng thấy một lần nữa Saigon Coop thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội và chúng tôi chỉ đem tiếng nói của người tiêu dùng thông tin cho CP biết điều gì sẽ xảy ra khi nâng giá một cách không bình thường.

Ở góc độ khác, chúng tôi muốn bảo vệ sự làm ăn tử tế, chỉ có như vậy người tiêu dùng mới không quay lưng với DN.

Hệ thống Coop Mart nói không với tăng giá trứng bất hợp lý của CP và Emivest, khiến cả hai đơn vị này phải tự động hạ giá trở lại
Hệ thống Coop Mart nói không với tăng giá trứng bất hợp lý của CP và Emivest, khiến cả hai đơn vị này phải tự động hạ giá trở lại.

Đừng nghĩ quyền lợi riêng mình 

Bà có nói các công ty CP, Emivest còn nợ người tiêu dùng một lời xin lỗi. Theo bà, chỉ đơn thuần là một lời xin lỗi thì Coop Mart sẽ quyết định bán lại trứng của họ?

 Tôi thấy CP, Emivest nợ người tiêu dùng Việt Nam một lời xin lỗi. Hành vi của hai công ty này đã làm xáo trộn thị trường, làm các cơ quan quản lý nhà nước phải bỏ rất nhiều công sức để làm cho tình hình thị trường ổn định trở lại, làm cho các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn rất vất vả, cũng như làm cho túi tiền của người tiêu dùng bị thu hẹp lại. Việc làm đó của họ là có lỗi với người tiêu dùng, thì phải xin lỗi. Chúng tôi đang chờ đợi động thái tiếp theo từ các công ty này 

Tôi không nói ở góc độ là một kênh phân phối mà ở góc độ của người tiêu dùng Việt Nam, tôi nghĩ khi có lỗi thì phải xin lỗi. Còn người tiêu dùng có chấp nhận lời xin lỗi hay không còn phải xem xét. CP, Emivest đã sửa lỗi bằng việc hạ giá trứng trở lại ban đầu, còn lời xin lỗi thì chưa có. Khi nào các doanh nghiệp này có lời xin lỗi thì chúng tôi mới xem xét đến việc có bán lại trứng của họ hay không.

Nếu có trường hợp nào tăng giá tương tự, lãnh đạo Saigon Coop sẽ lại từ chối bán hàng của họ?

Qua câu chuyện của CP, Emivest tôi nghĩ không một doanh nghiệp nào dại dột dám làm điều tương tự.

Không có CP, Emivest liệu Coop Mart có xoay sở đủ trứng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong hệ thống của mình?

Bình thường, chỉ riêng hệ thống Coop Mart tại TPHCM bán 100.000-200.000 quả trứng/ngày, nhưng những ngày sốt giá vừa rồi lượng bán ra gấp nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo đủ lượng trứng bán cho người tiêu dùng. Và nếu không có sự tham gia của CP vào thị trường thì chúng tôi vẫn có thể đảm đương được.

Triết lý kinh doanh của Coop Mart với người tiêu dùng thế nào, thưa bà?

Trước hết, với một doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt, khi mình muốn kinh hoanh có hiệu quả và phát triển thì phải đặt lợi ích của mình trong lợi ích của người tiêu dùng, hay nói rộng ra là trong lợi ích của dân tộc mình.

Nếu chúng ta kết hợp hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng, xã hội, của người tiêu dùng và sâu xa hơn là lợi ích của cả dân tộc thì không bao giờ các doanh nghiệp thiệt hại trên thương trường.

Cảm ơn bà!

Đại Dương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.