> Triển khai hệ thống tự động hóa trong thu mua và định giá sữa
> Giá sữa thế giới giảm, trong nước vẫn cao
Giá nguyên liệu giảm, sữa bột vẫn tăng
Theo TS Tống Xuân Chinh (Cục Chăn nuôi) giá sữa bột nguyên liệu trong những tháng qua không có biến động nhiều, thậm chí giảm giá.
Phân tích giá sữa và sản phẩm sữa tháng 11-2012 của Cơ quan Tiếp thị nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp Mỹ) cho thấy, giá sữa bột gầy đều giảm 1,45% ở cả thị trường Châu Đại Dương và Châu Âu.
Trong khi đó, giá sữa bột nguyên kem chỉ tăng vỏn vẹn 0,7%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2011, giá sữa bột nguyên kem đã giảm tới 4,86%.
Đi ngược với giá nguyên liệu thế sữa, giá sữa bột ngoại thành phẩm tại Việt Nam lại được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, ngày 14-1, Cty AD, nhà phân phối chính thức các sản phẩm sữa Mead Johnson (Enfa A+) đã có công văn gửi khách hàng kinh doanh trên toàn quốc thông báo về bảng giá mới áp dụng từ 14-1.
Theo đó, giá hàng loạt sản phẩm tăng, cao nhất lên tới 10%. Ví như sữa Enfa A+ giá bán hiện tại là 390.000 đồng/hộp 900 gam (tại cửa hàng trên phố Hàng Buồm, Hà Nội).
Tuy nhiên, dòng sản phẩm mới Enfa A+3 đã nâng giá lên thành 428.000 đồng/hộp và giá công ty gợi ý đại lý bán cho người tiêu dùng tới 445.000 đồng/hộp 900 gam.
Ngoài ra, các sản phẩm khác của Mead Johnson như Enfamama A+, Enfalac Premature…đều tăng giá. Giá một hộp sữa Enfamama A+ chocolate DHA power plus lên tới 402.000 đồng/hộp 900 gam…
Trước đó, theo các đại lý sữa trên phố Hàng Buồm, Tây Sơn (Hà Nội) sữa Dumex đã điều chỉnh tăng giá bán với các loại sản phẩm Dumex Gold từ 8 đến 9% kể từ ngày 2-1. Nguyên nhân tăng giá của Dumex theo các đại lý cũng là thay đổi mẫu mã bao bì.
Trong khi các hãng sữa ngoại tăng giá thì giá sữa nội vẫn ổn định. Thông tin từ Vinamilk, Dutch Lady, Ba Vì cho thấy, chưa có kế hoạch tăng giá bán cả sữa bột và sữa nước do sức mua năm nay yếu.
Theo dõi giá sữa nhiều năm cho thấy, cứ đầu năm dương lịch là các hãng sữa ngoại lại ồ ạt tăng giá để đảm bảo kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cho năm mới.
Trong năm 2012, giá sữa nguyên liệu giảm, đáng ra phải giảm giá bán thì không thấy công ty sữa nào (cả doanh nghiệp nội và ngoại) giảm giá.
Hình thức chủ yếu là tăng chiết khấu cho đại lý, cửa hàng để được tăng diện tích trưng bày, tổ chức khuyến mại, tặng thêm sản phẩm để giữ giá bán.
Nhiều đại lý cho biết, cứ đầu năm là các hãng sữa thay nhau tăng giá. Các nhà phân phối sẽ tạo ra sự khan hiếm hàng giả tạo trong 1- 2 tuần trước khi có quyết định tăng giá chính thức.
Với hai công ty lớn vừa tăng giá sản phẩm thì khả năng một đợt tăng giá mới trên thị trường sữa là khó tránh khỏi.
Sẽ đình chỉ tăng giá nếu...
Theo Bộ Tài chính, trước khi điều chỉnh giá đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải thực hiện đăng ký giá với Cục Quản lý giá hoặc Sở Tài chính tại địa phương.
Theo Thông tư của Bộ Tài chính, khi DN đề nghị tăng giá, cơ quan chức năng sẽ chỉ chấp thuận cho tăng giá bán sản phẩm nếu DN đưa ra được bản tính toán giá thành hàng hóa, dịch vụ (đối với hàng sản xuất trong nước), giá vốn nhập khẩu (nếu là hàng hóa nhập khẩu) hợp lý.
Trường hợp DN không chứng minh được nguyên nhân tăng giá, cơ quan chức năng sẽ đình chỉ việc tăng giá không hợp lý.
Thực tế hiện nay, thị trường sữa Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu và sữa bột thành phẩm nhập khẩu. “Khó khăn cho ngành sữa Việt Nam nói chung là lượng sữa tươi nguyên liệu nội địa mới chỉ đáp ứng được 20 đến 25% nhu cầu tiêu dùng”, đại diện một DN nhận định.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Cục giá Bộ Tài chính cho biết hiện đơn vị này chưa nhận được thông tin đăng ký tăng giá bán của DN sữa nào: “Sữa nguyên liệu trên thế giới không tăng, nên DN không có lý do gì để tăng giá. Rất có thể họ sẽ “lách” sang dòng thực phẩm dinh dưỡng và thuộc danh mục quản lý của Bộ Y tế. Chúng tôi sẽ theo dõi và xem xét nếu đúng vậy, có thể chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Y tế và kiến nghị đưa dòng này vào danh mục phải quản lý giá”. |