> Làm việc ở đâu nhiều tiền?
> Sang châu Phi lao động hưởng lương “nghìn đô”
Gửi về hơn 600 triệu USD/năm và đứng đầu tỷ lệ bỏ trốn
Ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Hàn Quốc là thị trường có nhu cầu tiếp nhận lao động lớn, mỗi năm từ 50.000 đến 70.000 NLĐ nước ngoài tới làm việc.
NLĐ nước ngoài làm việc không cần phải có tay nghề, nhưng được hưởng mức thu nhập khá cao (hiện mức thu nhập bình quân khoảng 1.000-1.200 USD/tháng) nên thu hút sự quan tâm của nhiều NLĐ cả nước.
Thực tế, NLĐ Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc ưa thích. Dù phải cạnh tranh với 14 nước khác, nhưng lao động Việt Nam luôn đứng đầu về số lượng lao động nhập cảnh Hàn Quốc (chiếm trên ¼ tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc).
Qua 8 năm thực hiện, chương trình EPS (cấp phép mới cho NLĐ nước ngoài) đã có hơn 70.000 NLĐ Việt Nam sang làm việc. Bình quân mỗi năm, NLĐ gửi về nước hơn 600 triệu USD.
Tuy nhiên, theo ông Minh, gần đây, tình trạng NLĐ Việt Nam hết thời hạn hợp đồng lao động không về nước đúng hạn gia tăng. Tỷ lệ này thường ở mức trên 50%, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của 15 quốc gia khác (20%).
“Những lao động bỏ trốn chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích chung của đất nước. Chính những lao động này đã lấy mất cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc của hàng nghìn lao động khác để thay đổi cuộc sống kinh tế gia đình”- ông Minh nói.
Tình trạng NLĐ bỏ trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp đã làm dấy lên sự lo ngại của các cơ quan chức năng Hàn Quốc. Do tỷ lệ lao động không về nước còn ở mức cao, nên Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc chưa gia hạn (Bản thỏa thuận về việc phải cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc hết hiệu lực từ ngày 28-8-2012).
Theo đó, Hàn Quốc tạm thời chưa tiếp nhận lao động mới của Việt Nam mà chỉ tiếp nhận những NLĐ đã từng làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn, có nguyện vọng quay trở lại làm việc. Quyết định này của phía Hàn Quốc ảnh hưởng đến cơ hội việc làm tốt của rất nhiều NLĐ Việt Nam.
Loay hoay giải pháp
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), để được phía bạn ký gia hạn Chương trình EPS, tỷ lệ lao động Việt Nam bổ trốn phải giảm xuống đến mức có thể chấp nhận được.
Theo đó, trên cơ sở những đề xuất của Việt Nam, phía Hàn Quốc đã có một số chính sách ưu tiên cho những NLĐ về nước đúng hạn như: Cho phép những NLĐ về nước đúng thời hạn sau khi hết hợp đồng được tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt để được quay trở lại làm việc (sau 6 tháng kể từ ngày về nước) và cho phép những NLĐ trung thành (không chuyển đổi nơi làm việc trong suốt thời gian làm việc tại Hàn Quốc) được quay trở lại Hàn Quốc làm việc sau 3 tháng, mà không phải dự kiểm tra tiếng Hàn.
Các biện pháp đã thực hiện nêu trên và chính sách mới của Hàn Quốc đã góp phần động viên một bộ phận NLĐ về nước đúng thời hạn.
Còn ông Minh cho biết, để giảm lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về XKLĐ, trong đó có hành vi cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài.
Nghiên cứu việc áp dụng việc ký quỹ với NLĐ trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng lao động. Cơ quan chức năng Việt Nam cũng đề nghị với bạn có các biện pháp quản lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và áp dụng các biện pháp ràng buộc về kinh tế để NLĐ phải về nước đúng thời hạn.
Dưới góc độ là doanh nghiệp, ông Đoàn Đại Thành - Chủ tịch Cty Sona (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Bạn phải có chính sách phạt nặng đối với chủ sử dụng lao động cố tình chứa chấp lao động bất hợp pháp. Nếu phạt nặng, các ông chủ sẽ sợ và không dám làm việc này nữa”.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cũng nói, “Phía Hàn Quốc cũng cần phải đồng hành phối hợp xử lý. Có như vậy thị trường mới được khơi thông”.
Theo Trung tâm Lao động Ngoài nước, việc triển khai các biện pháp quyết liệt bước đầu đã có kết quả. Tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong quý 3-2012 đã có xu hướng giảm, từ 57,4% xuống 55,6%. |