Tết Quý tỵ không in thêm tiền 500 đồng

Tết Quý tỵ không in thêm tiền 500 đồng
Tiền mặt phục vụ Tết đã được Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị sẵn sàng, sẽ bổ sung tiền mới cho các địa phương ngay tháng này. Riêng các mệnh giá nhỏ, chủ yếu dùng để lễ chùa, số lượng in hạn chế hơn.

> Ngân hàng cung ứng đủ tiền lẻ dịp Tết?

Trao đổi với báo chí chiều 11/1, Cục trưởng Phát hành và Kho quỹ - Nguyễn Chí Thành khẳng định lượng tiền mặt hiện rất dồi dào, đủ cơ cấu mệnh giá và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu Tết của người dân.

“Năm nay kinh tế khó khăn chung nên nhu cầu tiền mặt chưa cao. Nhưng nhiều khả năng trước Tết vài tuần, nhu cầu sẽ nhiều hơn. Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị các phương án dự phòng, dù tình huống nào cũng đáp ứng đầy đủ”, ông Thành nói.

Đã thành lệ vào cuối năm âm lịch, nhu cầu tiền mặt tăng mạnh do các doanh nghiệp phải chi lương, thưởng cuối năm, thanh toán công nợ. Người dân cũng cần tiền mặt mua sắm Tết, trong đó có cả tiền mới mệnh giá nhỏ để lì xì, lễ chùa. Nhu cầu rút tiền tại các máy tự động (ATM) vì thế tăng đột biến, nhiều máy trong tình trạng hết tiền.

“Tết này được nghỉ tới 9 ngày, nhu cầu tiền tiếp quỹ cho ATM vì thế cũng lớn hơn. Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ đáp ứng đầy đủ”, ông nói thêm.

Cũng theo ông Thành, trong tháng này Ngân hàng Nhà nước đã điều chuyển để tăng dự trữ của các chi nhánh. Việc bổ sung tiền mới cho các địa phương cũng sẽ cơ bản hoàn tất trong tháng này. Đầu tháng hai, nơi nào chưa đủ sẽ cung ứng nốt.

Liên quan tới nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ phục vụ cho Tết, Ngân hàng Nhà nước cho biết lượng tiền đang lưu thông và trong kho quỹ của ngân hàng hiện vẫn rất lớn, vì vậy sẽ cân nhắc rất kỹ lượng phát hành thêm. Theo phân tích của ông Thành, in tiền lẻ thường tốn kém hơn rất nhiều so với mệnh giá lớn, ví dụ muốn in 1.000 đồng thì chi phí phải cao gấp đôi. Trong khi đó, những mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng hay 500 đồng chủ yếu dùng để đi lễ chùa.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lấy ví dụ về một ngôi chùa nổi tiếng Hà Nội sau Tết năm ngoái thu về 6 tỷ đồng tiền lẻ, khiến ngân hàng ở địa phương phải đưa cả bộ máy đếm tiền vào hỗ trợ đếm tiền lẻ.

“Chi phí in ấn, vận chuyển, bảo vệ và đưa vào lưu thông rất lớn, vậy mà in xong không phục vụ cho thanh toán, chi tiêu quả là lãng phí. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét nghiêm túc để tránh lãng phí cho xã hội”, ông Thành nói thêm.

Ông cho biết lượng tiền mệnh giá 500 đồng hiện nay còn rất lớn, vì vậy Ngân hàng Nhà nước chủ trương sử dụng lượng đang tồn trong kho chứ không phát hành thêm.

Loại tiền cotton 10.000 và 20.000 đồng đã được Ngân hàng Nhà nước dừng lưu thông từ 1/1 vừa qua. Sau 10 ngày thu đổi ở địa phương, số lượng gom từ dân không nhiều.

Cùng với tiền giấy mệnh giá nhỏ, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa có kế hoạch tiếp theo cho việc đúc mới tiền xu sau khi đã phát hành 1 tỷ miếng nhiều năm trước, do còn nhiều bất cập về chất liệu, cơ cấu mệnh giá và độ tiện dụng.

Theo Thanh Thanh Lan
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG