Sẽ tạo ra những chuyển biến mới

Ông Cao Sỹ Kiêm
Ông Cao Sỹ Kiêm
TP - “Năm 2013 nói chung vẫn nhiều khó khăn, thậm chí khó khăn hơn năm 2012. Nhưng có yếu tố hy vọng để kinh tế vượt lên, tạo tiền đề cho những năm tới” – Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm trao đổi với Tiền Phong.

> 'Đáy' khủng hoảng kinh tế kéo tới giữa năm 2013?
> Nhà nghiên cứu kinh tế Trinh Nguyễn: Người Việt rất linh hoạt
> Kinh tế 2012 - những con số biết nói

Ông Cao Sỹ Kiêm nói: Tình hình tài chính thế giới đang được gỡ nút dần, nợ công châu Âu có bước tiến; Trung Quốc, Nhật Bản đều bắt đầu có chuyển biến.

Trong nước tuy khó khăn, nhưng ngay từ đầu năm nay, Chính phủ quyết tâm, tập trung giải quyết những vấn đề lớn là nợ xấu, hàng tồn kho, bất động sản; đề ra hàng loạt giải pháp để giải quyết những vấn đề dài hạn như nguồn lực, cơ cấu, mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, thủ tục hành chính.

Năm 2012 các DN đều gặp khó khăn, hàng loạt DN đã giải thể. Ông có nhận định gì?

Chính phủ đã nêu ra 6 giải pháp tổng thể và các biện pháp hỗ trợ, giúp DN vượt qua khó khăn. Có lẽ những DN quá yếu kém, thiếu nền tảng, khó khăn lưu cữu thì phải tiếp tục giải thể, phá sản.

Đó cũng là điều rất bình thường. Còn những DN có thể trụ lại đến bây giờ, chắc chắn sẽ phải tạo điều kiện để phục hồi, trên cơ sở có sự hỗ trợ của Nhà nước thì có thể khởi sắc.

Nếu Chính phủ giải quyết được 3 vấn đề (hàng tồn kho, nợ xấu, bất động sản) thì coi như đã tháo gỡ được lối thoát về vốn. Khi các DN có thể tháo gỡ, khơi thông được vốn và thị trường thì sẽ có những chuyển động tốt hơn trong nền kinh tế.

Với những tín hiệu mới từ đầu năm, cộng với quyết tâm của Chính phủ, theo ông năm 2013 chúng ta có thực sự có bước tiến để vượt thoát khỏi khó khăn?

 Năm 2013 là năm giải quyết tồn tại của năm cũ, tạo ra nền tảng và những yếu tố ban đầu cho một giai đoạn tăng trưởng mới, để cơ cấu lại nền kinh tế. Nếu giải quyết được những tồn tại lưu cữu thì mới tạo được sự chuyển biến không những cho năm 2013 mà cho cả những năm tiếp theo”  

Trên cơ sở những đề án của năm 2012, nay chúng ta bắt đầu phải tổ chức thực hiện thật tốt. Đây là năm tạo nền tảng mới. Nhưng để vực dậy nền kinh tế đang yếu kém như hiện nay, các giải pháp Chính phủ nêu ra phải được thực hiện tích cực, đồng bộ.

Tôi nghĩ, năm nay có thể sẽ tạo ra những chuyển biến mới, những yếu tố mới. Đến cuối năm sẽ càng có chuyển biến tốt hơn.

Tóm lại, có thể còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn có thể đạt những chỉ tiêu Chính phủ nêu ra: Đưa tăng trưởng cao hơn và đưa lạm phát thấp hơn năm 2012. Triển vọng cho năm nay sáng sủa hơn, nhưng cũng không thể chủ quan. Cần tích cực trong việc chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, siết chặt kỷ luật hành chính.

Theo nhận định của ông, chúng ta có mất nhiều thời gian để nền kinh tế vượt qua thời kỳ khó khăn này ?

Chúng ta đang phải giải quyết khó khăn của nhiều năm cộng lại. Năm 2012 đã tích tụ những khuyết điểm của các năm trước và biểu hiện ra rõ nhất đó là lượng hàng tồn kho lớn, nợ xấu ở mức cao, thị trường bất động sản bế tắc; kỷ luật hành chính có lúc chưa nghiêm.

Năm nay không chỉ giải quyết những vấn đề của năm nay, khi nền kinh tế đã ở điểm rơi gần như chạm đáy mà còn phải tạo ra điểm xuất phát mới cho những năm sau.

Chúng ta hy vọng với những giải pháp trước mắt và lâu dài của Chính phủ, nền kinh tế có bước đột phá mới. Tuy nhiên, không thể hy vọng năm 2013 sẽ giải quyết ngay được tất cả những vấn đề chúng ta đang đặt ra. Nó chỉ tạo ra nền tảng bước đầu để hy vọng, tạo niềm tin, động lực để thoát ra trong những năm 2014-2015.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG