Chống chuyển giá nhìn từ Keangnam Vina

Chống chuyển giá nhìn từ Keangnam Vina
Cuộc chiến chống chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI đang được ngành thuế thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, phía sau cuộc chiến này, ngành thuế nhận thấy những lỗ hổng pháp lý quá lớn để các doanh nghiệp có thể lách qua, như trong trường hợp của Công ty TNHH Keangnam Vina mà VnEconomy đề cập dưới đây.

> Nghi vấn Keangnam - Vina chuyển giá

> Điểm mặt những ông lớn bị tố ‘làm nghèo đất nước'

Tháng 5/2007, để chuẩn bị tài chính cho dự án tổ hợp Keangnam Vina đã ký hợp đồng vay vốn từ ngân hàng Kookmin Bank. Cho đến nay, công ty này đã vay tổng cộng 400 triệu USD từ ngân hàng này và tổng số lãi vay và chi phí tài chính của việc vay đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia của Cục Thuế Hà Nội tính toán rằng Keangnam Vina đã trả lãi suất trung bình khoảng 12% mỗi năm cho khoản vay từ Kookmin Bank. Trong khi đó, lãi suất vay vốn bằng USD tại Việt Nam trong thời gian gần đây chỉ dao động trong khoảng từ 5-7% mỗi năm.

Chênh lệch nói trên rõ ràng là một căn cứ để các chuyên gia về thuế vào cuộc để “tìm hiểu” kỹ hơn về khả năng Keangnam Vina đã tiến hành một giao dịch liên kết để chuyển một phần lợi nhuận về nước. Tuy nhiên, khi tham vấn Ngân hàng Nhà nước, ngành thuế mới nhận ra rằng, Việt Nam hiện nay chưa có quy định khống chế mức trần lãi suất cho vay bằng ngoại tệ!

Quy định hiện hành cho phép các ngân hàng tự định ra lãi suất đối với khách hàng theo hình thức thỏa thuận, qua đó thật khó để đưa ra một kết luận nào đó mà không đi kèm tranh cãi vì không có căn cứ pháp lý vững chắc.

Không chỉ có chênh lệch lãi suất, một chi tiết khác cũng khiến các chuyên gia ngành thuế nghi vấn: tổng cộng, một khoản tiền lên tới 30 triệu USD, tương đương hơn 485 tỷ đồng (tỷ giá năm 2008) đã được Keangnam Vina hạch toán vào chi phí tài chính với tên gọi là “phí cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, thu xếp vốn vay”.

Khoản tiền này chắc chắn đã ở lại Hàn Quốc sau khi góp phần làm tăng “chi phí hợp lý” của Keangnam Vina tại Việt Nam.

Nghi vấn thứ ba cũng rất đáng chú ý là việc Keangnam Vina đã ký hợp đồng xây dựng với công ty Keangnam Enterprises, cũng là một thành viên trong tập đoàn Keangnam Investment tại Hàn Quốc, theo hình thức chìa khóa trao tay.

Hợp đồng này đưa lại cho Keangnam Enterprises một khoản doanh thu và đi theo đó là một khoản lợi nhuận khủng, lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong tình huống này, Keangnam Enterprises có hai lựa chọn: hoặc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên lợi nhuận, hoặc đóng thuế nhà thầu theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sau khi đã trừ đi doanh thu của các nhà thầu phụ.

Keangnam Enterprises sau đó đã chọn cách thứ hai. Thật bất ngờ, khi kiểm tra lại trên các chứng từ và tính toán chi tiết, các chuyên gia ngành thuế phát hiện rằng mức thuế phải nộp theo cách thứ hai chỉ bằng khoảng 10% cách thứ nhất. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận đã “ở lại” với Keangnam Enterprises chỉ vì đơn giản là các quy định hiện hành của Việt Nam đã cho phép họ làm điều đó.

Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng nào về nghi vấn chuyển giá của Keangnam Vina từ phía ngành thuế. Tuy nhiên, từ các phát hiện ban đầu tại doanh nghiệp này, rõ ràng hệ thống pháp lý của Việt Nam còn nhiều bất cập, qua đó có thể “tạo điều kiện” cho các doanh nghiệp FDI tiến hành “biểu diễn kỹ thuật” trên các báo cáo tài chính của họ.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG