Chính sách tiền tệ: Hành trình và sứ mệnh kép

Chính sách tiền tệ: Hành trình và sứ mệnh kép
TP - “Hành trình” năm 2012, chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế đất nước ra sao? Định hướng năm 2013 sẽ thế nào khi phải tiếp tục “sứ mệnh kép” đảm bảo tăng trưởng kinh tế vĩ mô và giữ ổn định lạm phát? Chuyên trang Tài chính - Ngân hàng trân trọng giới thiệu bài viết củaVụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN - Nguyễn Thị Hồng gửi riêng cho Tiền Phong.

> Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ năm 2013
> Nợ xấu vẫn cản trở phát triển năm 2013

Nâng cao lòng tin VND

Nhìn lại năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ghi lại những dấu ấn khá đậm nét. Đáng kể, NHNN đã điều hành linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn các kênh đưa tiền ra - hút tiền về để điều hành cung ứng tiền phù hợp.

Cụ thể, cung ứng tiền với khối lượng lớn hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống những tháng cuối năm 2011 và dịp Tết Nguyên đán, thu tiền về sau Tết khi thanh khoản của hệ thống được cải thiện; tổ chức các đợt phát hành tín phiếu NHNN góp phần trung hòa lượng tiền bơm qua kênh mua ngoại tệ, qua đó giảm áp lực lạm phát.

Các giải pháp điều hành CSTT góp phần quan trọng, giúp kinh tế vĩ mô: Tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 đạt 5,03% nhưng chất lượng tăng trưởng kinh tế cao hơn, chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012.

Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng dần ổn định, thanh khoản cải thiện mạnh mẽ. Hệ thống ngân hàng huy động được một lượng tiền đồng lớn từ nền kinh tế do lòng tin vào VND được nâng cao.

Mặt bằng lãi suất đồng Việt Nam giảm mạnh, khoảng từ 5-9%/năm so với cuối năm 2011. Thanh khoản hệ thống cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước gia tăng ở mức lớn, tình trạng đô la hóa và vàng hóa giảm.

Nếu như từ năm 2011 trở về trước, đồng Việt Nam luôn chịu áp lực phá giá thì năm 2012 tỷ giá ổn định do nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Tình trạng đô la hóa giảm mạnh, NHNN mua được lượng ngoại hối lớn, tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước tới nay, qua đó củng cố uy tín và tiềm lực tài chính quốc gia.

Tình trạng “vàng hóa” được ngăn chặn, bước đầu huy động nguồn lực này chuyển hóa thành VND đưa vào hệ thống phục vụ sản xuất, tạo thanh khoản cho nền kinh tế.

Công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng kịp thời sâu sát, qua thanh tra, có những kiến nghị để chỉnh sửa, uốn nắn lại chính sách cho phù hợp với thực tiễn, phòng ngừa được những hành vi lợi dụng kẽ hở của luật pháp để làm không đúng quy định của pháp luật.

Vượt thách thức: Cần đồng thuận

Năm 2012, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở mức khoảng 5,03%, tiêu thụ hàng hóa khó khăn khiến hàng tồn kho tăng cao, tình trạng doanh nghiệp khó khăn và phá sản gia tăng.

Hàng tồn kho và nợ xấu ngân hàng được ví như “cục máu đông” cản trở sự lưu thông vốn trong nền kinh tế. Trong khi đó, năm 2013 những rủi ro đó sẽ tiếp tục cản trở mục tiêu kiềm chế lạm phát của NHNN.

Giá hàng hóa thế giới biến động phức tạp, yếu tố kỳ vọng tâm lý trong lạm phát, sức yếu đi của đồng đô la Mỹ.... Những thách thức này, tiếp tục đặt chính sách tiền tệ trong năm 2013 trong thế ứng xử phải khéo léo cân bằng giữ ổn định lạm phát và tiếp tục hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Năm 2013, ngành Ngân hàng vẫn quyết tâm đồng lòng phải thực hiện tốt “sứ mệnh kép”: vừa góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định, tập trung kiềm chế lạm phát, vừa tiếp tục triển khai tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng một cách an toàn, không gây xáo trộn.

Theo đó, NHNN sẽ kiên trì chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt để phát huy những thành quả đạt được trong năm 2012 và chung tay cùng nền kinh tế vượt qua khó khăn hiện tại.

Tiếp tục phối kết hợp với chính sách tài khóa nhằm kích thích cầu trong nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh, NHNN sẽ vừa thực hiện xử lý nợ xấu, vừa cung ứng vốn tín dụng một cách hợp lý nhằm điều chỉnh cơ cấu tín dụng đối với nền kinh tế theo hướng giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Tiếp tục tiến hành các bước để lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại mà trọng tâm là xử lý nợ xấu và minh bạch hóa tài chính; tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng, nhất là quản trị rủi ro.

Công cuộc này ngoài đòi hỏi nguồn lực tài chính còn cần sự hiểu biết chuyên sâu, đánh giá và lựa chọn kỹ những mô hình tái cấu trúc đã được thực hiện trên thế giới, vận dụng linh hoạt ở Việt Nam.

Để làm tốt sứ mệnh, vượt qua những thử thách, ngành ngân hàng thực sự cần một tiếng nói ủng hộ và sự đồng thuận từ xã hội.

Hy vọng, với sự quyết tâm của toàn hệ thống, sự đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, dù khó nhưng “thách thức” cuối cùng sẽ được chinh phục.

(*) Tít bài do toà soạn đặt

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG