Chính thức công bố tăng giá điện thêm 5%
> Giá điện lại tăng: EVN và chuyên gia nói gì?
TPO - Chiều nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) họp báo công bố chính thức tăng giá điện thêm 5% bắt đầu từ ngày mai 22-12.
Giá điện lại tăng. |
Theo đó, giá bán điện bình quân là 1.437 đồng/kWh, tăng 68 đồng/kWh (tăng thêm 5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.369 kWh).
Hoàng Văn Tùy - Phó trưởng Ban Tài chính kế toán (EVN), việc điều chỉnh giá điện lần này là để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than, tăng giá khí, quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá bán điện.
Theo ông Tùy, lần điều chỉnh này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo cơ cấu được quy định tại Quyết định số 286 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh.
Đại diện EVN cũng cho biết, việc điều chỉnh giá bán điện từ ngày 22-12 không tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đồng/kWh).
Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng tăng chi 6.600 đồng/tháng; sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 11.000 đồng/tháng; sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 16.200 đồng/tháng; sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 27.000 đồng/tháng; sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 38.200 đồng/tháng.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong chiều cùng ngày, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, việc tăng giá điện vào thời điểm này là chưa phù hợp. TS. Lê Đăng Doanh cho biết, việc tăng giá điện sẽ tạo nên sự tăng giá từ nay đến cuối năm. Đồng thời, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
TS. Vũ Đình Ánh cho biết, đáng lẽ giá điện đã tăng từ quý trước, nhưng vì lạm phát cao nên EVN chưa tăng giá bán điện. Hiện, lạm phát giảm nên EVN tăng giá điện là theo lộ trình.
Tuy nhiên, TS Ánh cho biết, hiện EVN vẫn nợ dư luận một câu trả lời là tính thuyết phục của việc điều chỉnh giá. “Việc tăng giá điện cũng có phần giống như tăng giá xăng dầu. Dù lãi nhưng EVN vẫn tăng giá. Ở đây, lãi của EVN có liên quan đến hạch toán và tỷ giá nhưng rõ ràng là việc tăng giá sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng là điều chắc chắn”.
Phong Cầm