Ngân hàng ngấm khó khăn từ doanh nghiệp

Ngân hàng ngấm khó khăn từ doanh nghiệp
TP - Thời gian gần đây, một loạt ngân hàng phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2012, theo hướng giảm doanh thu, lợi nhuận… Trả lời Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, đó là điều tất yếu.

> Bóc gỡ hơn 11.000 vụ án kinh tế, tham nhũng
> Giao dịch nội mạng ATM sắp bị thu phí?

Thưa ông, việc hàng loạt ngân hàng phải điều chỉnh chỉ tiêu giảm toàn phần kinh doanh trong năm 2012… có phải do khó khăn của doanh nghiệp (DN). Và lỗi đó, một phần do ngân hàng gây ra?

Tất nhiên, khó khăn của DN trở thành hệ quả của ngân hàng, không thể khác được. Ngân hàng cho DN vay để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, DN có “lớn” thì ngân hàng mới “mạnh”. Ngân hàng cho vay với lãi suất cao như thế, tình hình kinh tế vĩ mô không sáng sủa thì DN khó mà trả tiền lại cho ngân hàng, đó là một hệ lụy không tránh khỏi.

Ngoài ra, còn một vấn đề khác, đó là năm nay các ngân hàng không thể giấu được mà phải làm rõ hơn nợ xấu mà bao năm qua giấu diếm. Kê ra thì phải trích lập dự phòng, và việc trích lập dự phòng ăn vào lợi nhuận nên các chỉ tiêu kinh doanh phải xuống. Rõ ràng nợ xấu ảnh hưởng rất nhiều đến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Hai ba cái dồn dập lại, cho nên các ngân hàng phải xem lại mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.

Như vậy có thể thấy về thực chất có thể hiểu: nhiều ngân hàng hoạt động kinh doanh kém hiệu quả và lợi nhuận thấp?

Đúng thế. Trước đây ngân hàng báo cáo không trung thực, không chính xác hiệu quả hoạt động nên mới tạo ra lãi khủng. Cho nên, năm tới trừ phi có sự điều chỉnh chính sách đột phá mạnh mẽ của chính phủ để giúp DN phục hồi và phát triển, hệ quả đối với các ngân hàng trong năm 2013 còn “tệ” hơn nữa.

Ông dự báo thế nào về tình hình của các ngân hàng trong năm 2013?

Năm nay ngân hàng còn nói chuyện lời lãi, nhưng năm 2013 thì lấy đâu ra. Có nhiều ngân hàng nói với tôi, hôm nay có cho DN vay 9-10% thì người ta cũng không dám vay vì vay làm sản phẩm ra không biết bán cho ai, hàng tồn kho lớn quá. DN không phát triển được thì đi vay làm gì? Nếu không có chính sách giải quyết tốt cho doanh nghiệp thì sang năm tiếp tục đi xuống và ngân hàng cũng nguy kịch.

Nếu tính là 15% thì nợ xấu còn cao hơn rất nhiều. Không giải quyết sức khỏe của DN sẽ không giải quyết được nợ xấu và như thế e không chỉ DN đến cả ngân hàng cũng đứng trước bờ vực phá sản.

Theo ông, làm thế nào để phá vỡ cái vòng lẩn quẩn: DN và ngân hàng cùng kéo nhau khó theo?

Làm sao để cho DN không những sống được mà còn phục hồi và phát triển. Doanh nghiệp cần nguồn tín dụng để hoạt động. Lãi suất phải hợp lý, đặt trong sự tương quan với lãi suất của các nước trong khu vực và thế giới. Muốn để DN hội nhập, cạnh tranh với thế giới thì phải tính đến vấn đề này. Ở trong khu vực, không có nước nào lãi suất trên 7%. Cần nghiên cứu cơ chế để DN có thể tiếp cận vốn mà có thể không cần tài sản thế chấp, chẳng hạn như dựa trên hợp đồng mua bán, L/C… để nguồn tín dụng có thể đến với DN một cách dễ dàng.

Việt Nam có 49 ngân hàng TMCP, nhưng thật sự chỉ có 10-12 ngân hàng hoạt động có hiệu quả và chiếm 80-85% thị phần tín dụng, theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước. 37 ngân hàng còn lại hoạt động trong thị phần chỉ 10-15%. Tôi cho rằng, phải xem xét những ngân hàng nào không hiệu quả thì phải cho giải thể. Nếu chỉ còn khoảng 20 ngân hàng thay vì 49 hệ thống ngân hàng VN hoạt động sẽ ổn định hơn.

Đại Dương
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Báo Hàn Quốc ví Xuân Son là 'quái vật' của đội tuyển Việt Nam
Báo Hàn Quốc ví Xuân Son là 'quái vật' của đội tuyển Việt Nam
TPO - Chứng kiến màn trình diễn của Xuân Son trong trận ra mắt đội tuyển Việt Nam, tờ Chosun của Hàn Quốc đã phải dùng những câu từ mạnh nhất để miêu tả về anh. Họ nhấn mạnh rằng “chưa bao giờ được chứng kiến một cầu thủ nào của Việt Nam đạt đến trình độ như chân sút gốc Brazil này”, thậm chí ví anh là “quái vật của bóng đá Việt Nam”.