Áp trần lãi suất cho vay: Xuất chiêu “lách” phí?

Áp trần lãi suất cho vay: Xuất chiêu “lách” phí?
TP - Trước tin đồn “rộ” lên NHNN đang xem xét và có thể áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất, các chuyên gia và giới nhà băng đã bày tỏ suy nghĩ e ngại việc “áp” trần cho vay khi thị trường chưa chín muồi, ngân hàng sẽ đối phó xuất chiêu “lách” phí.

> Nhiều ngân hàng lãi đậm
> Ngân hàng 'vô cảm' với nhiều DN

Tại cuộc họp với NHNN chi nhánh Đà Nẵng cách đây 2 tuần, một số doanh nghiệp đã lên tiếng đề nghị cơ quan quản lý xem xét áp trần lãi suất cho vay.

Theo các doanh nghiệp nếu áp dụng, trần lãi suất sẽ như chiếc neo nhằm gỡ khó, giúp doanh nghiệp có cơ hội đến với nguồn vốn một cách công khai minh bạch hơn.

Mặc dù thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt, nhưng đến thời điểm này, vẫn có những ngân hàng phải trả lãi suất huy động cao hơn so với quy định để hút vốn.

Nhìn vào vấn đề, TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh thẳng thắn: Nếu áp trần lãi suất cho vay thời điểm này có thể “vô tình” đẩy các ngân hàng vào thế khó hơn.

Theo ông Dương, nếu như cuối năm trước với việc phải trả lãi suất trên 20% các DN chỉ “mơ” lãi suất xuống 16 - 17%, thì đến thời điểm này lãi suất đã ở mức 13 - 14% thậm chí nhiều ngân hàng triển khai các chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất 9 - 10%/năm.

“Như vậy các ngân hàng rất nỗ lực trong việc cố gắng giảm và đã chia sẻ giảm 8 - 10% điểm lãi suất. Tháo trần lúc này sẽ rất nguy hiểm khi thanh khoản tại một số ngân hàng nhỏ vẫn chưa thực sự tốt.

Nếu việc áp trần lãi suất cho vay được thực hiện thì có thể nói chúng ta đã thay một phương án xấu bằng phương án xấu hơn. Và như vậy biện pháp này có thể gây ra tác dụng ngược”- TS Dương lưu ý.

Nếu sử dụng biện pháp hành chính “áp” trần, điều gì sẽ xảy ra? Lãnh đạo một ngân hàng lớn nhìn nhận điều này rất có thể sẽ gây “méo mó” trên thị trường.

Cụ thể hơn, ông phân tích: NHNN cứ nói hiện thanh khoản đang dồi dào nhưng thực tế chỉ ở một bộ phận ngân hàng lớn. Một số ngân hàng nhỏ nhất là khối trong diện phải tái cơ cấu sáp nhập hoặc nợ xấu lớn vẫn đang sử dụng chiêu “lách” trần huy động.

Tôi biết hiện giờ có những ngân hàng đang “dụ” khách hàng mới và VIP ở mức lãi khủng tức là bằng trần cộng thêm 3-4 điểm. Với việc huy động cao đương nhiên cho vay ra dù chỉ để che mắt cũng không thể thấp.

“Ai dám chắc là các ngân hàng sẽ không lách trần lãi suất cho vay. Giả dụ như ngân hàng lại “đẻ” ra 5 - 7 loại phí. Như vậy, áp trần cho vay hay huy động chỉ là sự che mắt nhất thời, không bao giờ tạo ra được sự minh bạch trên thị trường” - ông thẳng thừng nói.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2012 vừa diễn ra tại Hà Nội, nhóm công tác ngân hàng đưa ra quan điểm đáng chú ý về áp trần lãi suất cho vay đối với 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên từ tháng 5-2012 đến nay.

Theo phân tích của nhóm công tác ngân hàng, chủ trương của NHNN đúng đắn nhưng trong bối cảnh này có thể lại gây hiệu quả ngược.

Bởi biện pháp hành chính này sẽ dẫn tới tình trạng các ngân hàng cho vay ít hơn đối với những lĩnh vực trên so với trước,do ngân hàng sẽ ít khả năng thu được đủ mức lợi nhuận tương ứng với mức rủi ro phải gánh chịu hơn.

Không "ép" cũng hạ

Lãnh đạo Vietinbank cho rằng thời điểm này ngân hàng đang cạnh tranh thu hút khách chẳng dại gì lại cho vay quá cao. Một đại diện ngân hàng VIB chia sẻ, hiện không ít ngân hàng, trong đó có VIB chào các DN tốt với lãi suất chỉ có 9,9%/năm nhưng vẫn không thể giải ngân được.

Còn với các khách hàng DN yếu thì khó tiếp cận được vốn vì khẩu vị rủi ro của các ngân hàng đều thắt chặt hơn trước đây. Điều đó cho thấy không cần NHNN phải ép hạ lãi suất nữa mà các ngân hàng tự hạ lãi suất để đẩy vốn ra cứu DN và cũng là tự cứu mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG